“Cần làm luật để Chủ tịch nước triệu tập Chính phủ”

(Dân trí) - “Từ thời đồng chí Trần Đức Lương, tôi chứng kiến chưa bao giờ Chủ tịch nước triệu tập cuộc họp Chính phủ. Tôi đề nghị đưa luôn vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIV, quy định rõ các trường hợp Chủ tịch nước triệu tập cuộc họp Chính phủ” ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội nói.

Chiều 19/2, ông Đào Việt Trung - Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã báo cáo trước Thường vụ Quốc hội dự thảo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước. Tại đây, nhiều đại biểu đã cho ý kiến để hoàn thiện báo cáo.

Nửa năm họp tướng lĩnh một lần

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước không cần dài, nhưng phải toát lên được vai trò đối nội, đối ngoại của một nguyên thủ quốc gia. Báo cáo phải làm đậm được vai trò Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh quốc gia, đồng thời là thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước có vai trò rất quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước có vai trò rất quan trọng.

“Trong Hiến pháp đã ghi rõ, Chủ tịch nước có quyền triệu tập Chính phủ, có quyền ý kiến với Thường vụ Quốc hội với Quốc hội về luật lệ, luật pháp”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích.

Cùng vấn đề trên, ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội nói: “Từ thời Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến giờ, tôi thấy chưa có lần nào Chủ tịch nước triệu tập cuộc họp Chính phủ. Do vậy, phải cụ thể hóa vấn đền này, Quốc hội phải có quy định trường hợp nào Chủ tịch nước có thể triệu tập cuộc họp Chính phủ”.

Qua thực tiễn, ông Phước nhận thấy có rất nhiều việc, Chủ tịch nước cần phải làm việc với Chính phủ. Tuy nhiên, hiện ở nước ta chưa có cơ sở pháp lý cụ thể quy định vấn đề này. Do vậy, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội đề nghị đưa luôn vào dự án xây dựng luật ở Quốc hội khóa XIV, để hoàn thiện quy trình, thủ tục Chủ tịch nước triệu tập cuộc họp Chính phủ.

Theo ông Ksor Phước phải hoàn thiện quy trình, thủ tục để Chủ tịch nước triệu tập cuộc họp Chính phủ
Theo ông Ksor Phước phải hoàn thiện quy trình, thủ tục để Chủ tịch nước triệu tập cuộc họp Chính phủ

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng đề nghị xây dựng quy định một năm hoặc sáu tháng, Chủ tịch nước triệu tập cuộc họp nghe các tướng lĩnh báo cáo về vấn đề an ninh, quốc phòng. Còn trong trường hợp đột xuất, Chủ tịch nước có thể triệu tập các tướng lĩnh bất cứ lúc nào.

“Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang và là người điều binh khiển tướng. Do vậy, nếu như trường hợp biển Đông diễn ra rầm rầm thì Chủ tịch nước phải đứng ra chủ trì ngay cuộc họp với đơn vị liên quan. Theo tôi phải luật hóa việc này để khỏi phải nói qua, nói lại mãi. Từ thời đồng chí Trần Đức Lương đã nói rồi nhưng vẫn chưa khắc phục được”, ông Ksor Phước nói.

Chủ tịch nước lên tiếng, các cấp phải soi lại mình

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, đặc biệt về công tác đối ngoại góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Các chuyến đi công tác đối ngoại của Chủ tịch nước làm tăng thêm sức mạnh về kinh tế, kể cả quốc phòng an ninh của đất nước.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu vai trò của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước trong những năm qua đã động viên sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sức mạnh toàn dân. Ông Giàu cũng nhận định, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc của Chủ tịch nước với lực lượng vũ trang rất thực chất, xuất phát từ thực tiễn chứ không phải hình thức. Còn những tuyên bố của Chủ tịch nước gây ấn tượng rất mạnh, làm các cấp trong hệ thống chính trị phải soi lại mình.

“Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước để lại ấn tượng khá mạnh về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Còn những tuyên bố và hành động của Chủ tịch nước khiến tôi thấy ấn tượng rất mạnh. Chỉ có điều tôi thấy nếu cá nhân hai đồng chí nhấn thêm một chút nữa sẽ tốt hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói.

Góp ý vào dự thảo báo cáo nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần quan tâm hơn đến hiệu quả cải cách tư pháp, chống oan sai, công tác đặc xá. Vì theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là những vấn đề còn nhiều vướng mắc, hạn chế cần quan tâm hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước có vai trò rất quan trọng. Trong báo cáo phải xác định được những bài học để Chủ tịch nước tiếp theo kế thừa kinh nghiệm. “Báo cáo phải rút ra được những kinh nghiệm, trong đó những vấn đề gì hay thì kế thừa, cái gì chưa được để người làm sau không lặp lại”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Quang Phong