Bộ trưởng Tư pháp: Rất khó "tranh thủ" lợi ích khi làm luật!

(Dân trí) - Đáp lại nghi vấn về việc có lợi ích nhóm, lợi ích bộ ngành trong việc xây dựng các đạo luật, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phân tích, có biểu hiện cục bộ thể hiện ở việc Bộ ngành có phần thiên vị, dành thuận lợi hơn cho mình, nhưng nói “tranh thủ” lợi ích thì… rất khó.

Có lợi ích nhóm, lợi ích Bộ ngành trong lập pháp không?

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Đại biểu Tống Thanh Bình nêu vấn đề tình trạng văn bản hướng dẫn thi hành luật có sai sót, phải “tuýt còi” ngày càng nhiều. Cụ thể, có hơn 200 văn bản sai phạm về thẩm quyền, hơn 700 văn bản thiếu căn cứ, sai về thể thức ban hành đã được phát hiện. Ông Bình muốn biết, trách nhiệm với việc này nằm ở cơ quan nào?

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định ngay: “Trước hết phải xác định rõ ràng trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc kiểm soát văn bản”.

Tuy nhiên, ông Long cũng giải thích, tầm với cao nhất của Bộ Tư pháp chỉ là với các thông tư do các Bộ ban hành. Còn văn bản do Thủ tướng, Chính phủ ban hành, Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm soát. Như vậy, những vướng mắc liên quan đến các thông tư, trách nhiệm chính là của Vụ pháp chế các Bộ và người đứng đầu các Bộ này. Bộ Tư pháp chỉ nhận được những văn bản đề nghị góp ý về nội dung các thông tư mà tính pháp lý của việc góp ý thì không cao.

Bộ trưởng Tư pháp cũng điểm lại việc phát hiện, “tuýt còi” một số thông tư có nội dung chưa chuẩn mà các bộ ngành ban hành như thông tư của Bộ TN-MT về việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ, thông tư của Ngân hàng quy định về việc mở tài khoản… Năm 2006, Bộ Tư pháp cũng phát hiện thông tư của Bộ Tài chính về chế độ thu nộp lệ phí xác nhận căn cước công dân không phù hợp với luật và từ đó đã có điều chỉnh kịp thời.

“Chúng tôi đã làm quyết liệt hơn và có vấn đề thì thảo luận một cách dân chủ, công khai hơn, mời các đơn vị đến dự cũng như báo cáo Thủ tướng” – ông Long trình bày.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tiếp tục đặt câu hỏi, có hay không lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong việc xây dựng pháp luật?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Tư pháp nhận định dùng từ “lợi ích nhóm” là… hơi mạnh. Theo ông, việc xây dựng luật của bộ, ngành có phần nào thiên vị, dành thuận lợi hơn cho bộ mình, ngành mình. Các biểu hiện cục bộ có thể ở quy định về việc lập quỹ, thành lập bộ máy, dành nguồn tài chính hay quy định một số điều kiện gia nhập thị trường ở các luật chuyên ngành. Việc này là không chuẩn so với tư tưởng chỉ đạo chung là không quy định về bộ máy trong các đạo luật chuyên ngành.

Còn về thủ tục và các việc cần làm, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định là đã quy định trong luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng từng nấc, từng tầng. Theo đó, nếu có lợi ích nào đó muốn tranh thủ của các bộ ngành cũng rất khó.

Luật về Hội sẽ sớm trở lại nghị trường

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định việc xây dựng nghị định kèm theo dự thảo luật có biểu hiện đối phó không hiếm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định việc xây dựng nghị định kèm theo dự thảo luật có biểu hiện "đối phó" không hiếm.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang chuyển quan tâm sang vấn đề chất lượng các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành ra khi thực tế là các dự thảo nghị định trình kèm với dự thảo luật chỉ mang tính đối phó.

Bộ trưởng Lê Thành Long nói: “Khái quát chung, trong khi sức ép về mặt thời gian rất lớn vì vừa trình dự thảo luật và dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành thì khó đảm bảo chất lượng. Còn nói dự thảo nghị định làm ra “đối phó” hay không thì tôi cần thời gian để nghiên cứu thêm”.

Theo ông Long, ở đây phải bàn vấn đề lớn hơn là quy trình làm luật. Cũng phải thừa nhận có dự thảo luật khi Chính phủ trình sang, đến khâu thẩm tra của các UB chuyên môn và Thường vụ Quốc hội có nhiều nội dung thay đổi. Đó là sự tiến triển tự nhiên của quá trình đóng góp trí tuệ của các chủ thể khác nhau. Khi chỉnh lý có những vấn đề không thống nhất với nhau thì Quốc hội yêu cầu Chính phủ xem xét lại.

Bộ trưởng Long dẫn chứng luật Quy hoạch phải xem xét đến kỳ thứ 3 hay dự án luật Phòng chống tham nhũng phải đưa vào rút ra để đảm bảo yêu cầu chứ không làm “non”. Dự án luật về Hội quốc hội khoá XIII đã xem xét tại kỳ họp thứ 10 sau đó cũng phải giao Chính phủ chỉnh lý lại và trình lại vào kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIV nhưng chất lượng vẫn chưa đạt thì Quốc hội vẫn yêu cầu làm thêm.

“Như vậy thì phải trở lại với việc ràng buộc trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, trình dự luật đến cùng. Trong trường hợp cơ quan này không bảo vệ được các quan điểm của mình thì cũng phải chấp nhận là luật không được thông qua chứ dung hoà để ra được luật tròn trĩnh để thông qua thì sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi sau này” – Bộ trưởng Tư pháp phân tích.

Không đồng ý với việc đổ lỗi là sức ép về mặt thời gian. Luật nào cũng cho là khó mà thời gian ít nhưng chương trình xây dựng luật pháp lệnh thì có từ lâu rồi. Ban đầu thường rất đồng tình nhưng sau đó lại cuống lên khi gần hết hạn. Nếu không đủ chất lượng thì không trình còn tốt hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, về nguyên tắc luật và pháp lệnh phải quy định rõ ràng để đảm bảo thi hành được ngay. Còn việc có dự luật trình mang tính sơ sài, đối phó là rất rõ, nếu cần có thể giở lại hồ sơ nhiều dự án luật để minh chứng ngay.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển tiếp tục nêu vấn đề nhiều dự án luật dang dở trong thời gian dài vừa qua như luật về Hội, luật Biểu tình.

Đáp lại, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, luật về Hội đến nay, Bộ Nội vụ đã thực hiện nghiêm vấn đề đánh giá tác động chính sách, trong đó có cả đánh giá về định tính và định lượng.

“Việc đánh giá tác động của luật về Hội khá tốt và với tinh thần này thì luật này sẽ sớm trở lại nghị trường” – ông Long thông tin.

Còn luật Biểu tình, theo Bộ trưởng Tư pháp, đến nay vẫn chưa thể xây dựng vì quan điểm làm luật này là làm sao thể hiện được quyền tự do biểu tình trong trật tự của người dân nhưng dự luật đưa ra thời gian trước lại thiên về hướng bảo vệ.

Về các giải pháp để khắc phục tình trạng “treo” các luật quan trọng như này, ông Long nêu quan điểm, không cần sửa lại lịch làm luật của UB Thường vụ Quốc hội vì những luật đã chậm, chưa kịp đưa vào thì cũng có trong dự kiến chương trình xây dựng luật pháp lệnh từ trước, trong đó có luật về Hội. Ông Long quả quyết “không phải lo việc này”.

Bộ trưởng Tư pháp cũng đề nghị Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng “tiếp sức” thêm những thông tin liên quan đến luật về Hội.

Chấm điểm phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định: “Đây là phiên họp đầu tiên cơ quan thường trực của Quốc hội thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”, theo hướng đại biểu nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá một phút mỗi lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu, thời gian không quá 3 phút mỗi lần. Phương thức này gây áp lực cho cả người hỏi và người trả lời.

Mặc dù là người đầu tiên trả lời theo phương thức này nhưng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời rõ ràng, mạch lạc và trúng vấn đề mà đại biểu đặt ra và được dư luận đánh giá cao”.

P.Thảo