Bộ trưởng phải báo cáo thường niên việc thực hiện chương trình hành động

(Dân trí) - Ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 với 6 nhiệm vụ chủ yếu, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh hàng năm báo cáo về việc thực hiện chương trình hành động của đơn vị mình. Đây cũng là yêu cầu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn vừa qua.

Chính phủ vừa có Nghị quyết số 100 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, có 6 nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành.

Nhiệm vụ trước hết là tổ chức bộ máy Chính phủ tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhiệm vụ thứ hai, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhiệm vụ thứ ba: Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững.

Nhiệm vụ thứ tư: Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhiệm vụ thứ 5: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Nhiệm vụ thứ 6: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.

Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 với 27 thành viên (Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng - Thủ trưởng cơ quan ngang bộ) chính thức nhận nhiệm vụ từ tháng 7/2016.
Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 với 27 thành viên (Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng - Thủ trưởng cơ quan ngang bộ) chính thức nhận nhiệm vụ từ tháng 7/2016.

Thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân về lĩnh vực điều hành

Nghị quyết nêu rõ chủ trương xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật...; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Chính phủ thống nhất chủ trương, từng thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về các nhiệm vụ được giao; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Hiến pháp và pháp luật; tích cực tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ theo Quy chế làm việc của Chính phủ; đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; tăng cường trách nhiệm trong phối hợp công tác; thường xuyên nắm bắt thông tin, chủ động, kịp thời đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, phối hợp xử lý những vấn đề đột xuất, phát sinh và những vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm.

Chính phủ xác định tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ); đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tổ chức triển khai Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bộ trưởng phải xây dựng chương trình hành động của ngành

Trên cơ sở những nhiệm vụ và nội dung chủ yếu trong Chương trình hành động này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân công, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của bộ, ngành trung ương, địa phương mình trong cả nhiệm kỳ và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ của kế hoạch hàng năm.

Các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương phải tiếp tục xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ của Chính phủ.

Đây cũng chính là một vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiêu chất vấn diễn ra sáng 17/11. Trả lời câu hỏi về việc giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình hành động của các Bộ trưởng, Thủ tướng giải thích, chương trình hành động chung của Chính phủ được báo cáo từ đầu nhiệm kỳ. Nếu Quốc hội yêu cầu từng thành viên Chính phủ, nhất là các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xây dựng chương trình hành động riêng thì Chính phủ sẽ quán triệt, triển khai thực hiện.

Và, trong Nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ cũng thống nhất quy chế các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ hàng năm có báo cáo đánh giá gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể trong Chương trình hành động này, các bộ, ngành trung ương, địa phương chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động, định kỳ tổng hợp báo cáo và kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng về các biện pháp cần thiết bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động này.

P.T