“Bộ trưởng muốn “né” chất vấn cũng không được!”

(Dân trí) - “Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội đánh giá chất lượng trả lời, trách nhiệm giải quyết vấn đề cử tri chất vấn, kiến nghị. Đây là căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm của các vị bộ trưởng, các cá nhân do Quốc hội bầu ra trong kỳ họp tới” – Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trao đổi trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5.


Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải (ảnh: Như Phúc)

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải (ảnh: Như Phúc)

- Lựa chọn các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này khiến nhiều cử tri hài lòng vì các nội dung đã sát hơn với những vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội. Với tư cách Trưởng ban Dân nguyện, bà đánh giá thế nào về danh sách 4 Bộ trưởng được chọn đăng đàn kỳ này?

- Thứ nhất, tôi xin nhấn mạnh rằng, quy trình lựa chọn các vấn đề chất vấn là hết sức rõ ràng, chính xác và khoa học, khách quan. Ban Dân nguyện đã tập hợp được 120 nội dung, nhóm nội dung các vấn đề gửi tới kỳ họp thứ 5 này qua các đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Ngoài ra, có khoảng 60 phiếu chất vấn của các đại biểu Quốc hội gửi và căn cứ vào các phiên thảo luận kinh tế - xã hội. Tổng thư ký đã tập hợp và xin ý kiến các cơ quan chuyên môn, Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban, rồi sau đó xin ý kiến Thường vụ Quốc hội rồi sau đó xin ý kiến Quốc hội bằng lấy phiếu. Số lượng phiếu được công bố công khai.

Việc lựa chọn như vậy là công khai, minh bạch và dựa trên rất nhiều cơ sở nên không hề có sự né tránh các vấn đề nóng. Thậm chí, có những vấn đề liên quan đến BOT, từ mức thu phí, rồi chất lượng đường, công tác quản lý… đã được UB Thường vụ Quốc hội giám sát gần đây nhưng vì đại biểu Quốc hội, cử tri vẫn rất quan tâm, nên kỳ này vẫn được đưa ra chất vấn.

- Nói vậy nhưng có thể giải thích thế nào với những nhóm vấn đề với những vị tư lệnh ngành rất được trông đợi như việc chống tham nhũng và những thông tin từ Tổng Thanh tra Chính phủ được đề xuất từ đầu lại không được chọn cho phiên chất vấn, thưa bà?

- Tham nhũng và các vấn đề khác cũng đã được cử tri nêu ra. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đã được thảo luận nhiều trong phiên thảo luận về luật Phòng chống tham nhũng, và luật này dự kiến sẽ được thông qua trong 3 kỳ họp nên tôi nghĩ vấn đề này đã được nhắc tới rất nhiều ở các phiên thảo luận.

Tôi muốn nhấn mạnh là việc lựa chọn vấn đề chất vấn dựa trên cơ sở ý kiến cử tri nhưng cũng rất công khai, minh bạch.

- Ban Dân nguyện là cơ quan nắm bắt nguyện vọng của cử tri sát nhất. Được biết, cử tri vẫn phản ánh với ban Dân nguyện về việc trên ghế nóng, nhiều vị tư lệnh vẫn còn trả lời vòng vo, né tránh các vấn đề, nhất là với những câu hỏi về trách nhiệm?

- Trả lời chất vấn hiện nay được truyền hình trực tiếp, việc trả lời sẽ định hình chân dung của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành được chất vấn. Có những cử tri rất tâm huyết, gửi cho tôi bản đánh giá viết tay 30 trang, đánh giá từng Bộ trưởng một, từ phong thái tới nội dung trả lời... Nhìn chung, cử tri đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ trưởng trong thời gian qua, cả trong nỗ lực trả lời các câu hỏi đặt ra cũng như việc thực hiện lời hứa.

Tôi thấy việc không thực hiện được lời hứa do nguyên nhân chủ quan, sự thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực của Bộ trưởng, trưởng ngành đã giảm đi. Những chậm trễ chủ yếu do nguyên nhân khách quan, do sự phối hợp thiếu liền mạch hay thiếu nguồn lực... Đó là điều mà tôi thấy rất đáng mừng.

Tuy nhiên, cử tri cũng mong muốn có một cơ chế mạnh hơn nữa, xử lý mạnh hơn nữa đối với những vấn đề đã nêu trong chất vấn mà các Bộ trưởng, trưởng ngành chưa thực hiện. Vấn đề hậu giám sát từ trước đến nay vẫn được nêu nhiều nhưng xử lý trách nhiệm chưa rõ, do cơ chế nhiệm kỳ của người được chất vấn, rồi bản thân đại biểu chất vấn cũng hết nhiệm kỳ...

- Cử tri bày tỏ mong muốn gì qua việc “chấm điểm” chất vấn đó?

- Cử tri nhấn mạnh rất mong muốn có một cơ chế minh bạch để xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể khi không thực hiện đầy đủ các kiến nghị nêu trong các nghị quyết giám sát cũng như các nghị quyết chung của Quốc hội. Hiện nay, Quốc hội là cơ quan dân cử cao nhất, nhưng cũng chỉ có thẩm quyền kiến nghị thôi, cần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có cơ chế để xử lý mạnh tay hơn.

Bên cạnh đó, cử tri cũng mong muốn đại biểu Quốc hội đánh giá chất lượng trả lời, trách nhiệm thực hiện các vấn đề cử tri chất vấn, kiến nghị là căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm của các vị bộ trưởng, các cá nhân do Quốc hội bầu ra trong kỳ họp tới.

- Mỗi lần chất vấn là một lần bộc lộ bản lĩnh cá nhân của các Bộ trưởng, trưởng ngành mà kỳ chất vấn này lại liền kề kỳ Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Cũng có ý kiến lo ngại điều đó sẽ khiến nhiều người mong “né” được việc trả lời chất vấn kỳ này?

- Làm sao mà né được vì quy trình, thủ tục lựa chọn rất rõ ràng như vậy. Cách thức tổ chức chất vấn cũng được cải tiến rất nhiều. Không phải chỉ 4 Bộ trưởng được lựa chọn mới phải “đối mặt” với các câu hỏi mà đại biểu nêu, mà có rất nhiều vị Bộ trưởng khác phải phối hợp cùng trả lời. Đặc biệt, còn có sự tham gia của các Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực. Vì vậy, dù không phải là người trực tiếp trả lời chất vấn, các Bộ trưởng khác cũng là những đối tượng để cử tri đánh giá và qua đó cử tri sẽ lại gửi gắm đến đại biểu Quốc hội để đại biểu đánh giá mức độ tín nhiệm trong kỳ họp sau.

Xin cảm ơn bà!

P.Thảo