"Bỏ lửng" quản lý 400 triệu USD mỗi năm?

(Dân trí) - Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định thông tin, mỗi năm, một nguồn tiền khoảng 400 triệu USD đổ vào Việt Nam từ hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, phi chính trị nhưng hiện tại chỉ được quản lý bằng một Nghị định của Chính phủ.

Phân định ranh giới giữa hoạt động lập hội của cá nhân, tổ chức trong nước với hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 9/9.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng dự án là vừa nhằm tạo điều kiện thực hiện quyền lập Hội đã được Hiến định, vừa tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước với hoạt động của hội.

Giải trình thêm về câu hỏi, “hội” có phải là tổ chức phi chính phủ, ông Định phân tích, tổ chức phi chính phủ “là khái niệm rộng hơn khái niệm hội”. Theo người đứng đầu cơ quan thẩm tra, tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận thành lập ở nước ngoài vào Việt Nam hoạt động theo dự án, thường là trong thời gian ngắn, từ vài tháng đến vài năm.

Ông Định thông tin, mỗi năm, một nguồn tiền khoảng 400 triệu USD đổ vào Việt Nam từ hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, phi chính trị như này nhưng hiện tại chỉ được quản lý bằng một Nghị định của Chính phủ. Đưa nội dung này vào luật về Hội, ban soạn thảo luật chỉ đặt vấn đề quản lý trong quá trình hoạt động trong nước vì toàn bộ khâu thành lập, vận động quỹ, điều hành quỹ… đều được thực hiện ở nước ngoài.

Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ông đã dành thời gian cùng ban soạn thảo nhiều ngày liền làm ngày làm đêm để đúc ra được 43 điều của dự thảo luật về Hội.
Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ông đã dành thời gian cùng ban soạn thảo nhiều ngày liền làm ngày làm đêm để "đúc" ra được 43 điều của dự thảo luật về Hội.

“Tôi cũng mong muốn sau này có thể có văn bản luật điều chỉnh toàn diện hơn đối với loại tổ chức này, nhưng cần có thời gian và điều kiện để nghiên cứu sâu hơn, hiện tại không thể cầu toàn được”, ông Định nói.

Liên quan đến đề nghị quy định đầy đủ hơn về hoạt động của Quỹ tại luật này, Chủ nhiệm UB Pháp luật cho biết, Dự thảo lần này chủ yếu là luật hoá Nghị định 30 hiện hành, vì nếu không đây sẽ trở thành 1 “Nghị định không đầu”, khó vận hành, áp dụng. Sau này có thể cân nhắc làm luật riêng về Quỹ.

Đề xuất làm luật riêng về Quỹ sau đó cũng được đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Nghệ An) nêu tại hội nghị. Bà Hoa nhận định, quy mô, nguồn gốc và việc điều hành hoạt động của các loại quỹ hiện nay rất phức tạp, rất cần có luật riêng để điều chỉnh.

Khi lãnh đạo Hội sinh viên đều không còn là… sinh viên

Bàn thêm về việc điều chỉnh thế nào với hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, các Hội do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, trước mắt, dự thảo luật này chỉ nên tập trung quy định về việc thành lập Hội của tổ chức, cá nhân trong nước.

Theo ông Hiểu, việc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, người nước ngoài lập Hội nên để lại sau, nghiên cứu thêm rồi xây dựng pháp lệnh. Đây là vấn đề phức tạp, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro chính trị chưa lường hết được trong khi ý kiến về vấn đề này đang rất khác nhau.

Đại biểu băn khoăn về việc “xếp chung một rọ” tất cả các hội, quy định về thủ tục đăng ký, cấp phép, hoạt động cũng giống nhau, không phân biệt hội có tính chất truyền thống, quen thuộc với hội mới thành lập.

Ông Hiểu dẫn chứng nhiều ví dụ trong quá trình hoạt động hội trước đó của mình. Tại một địa phương, đại hổi của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh được tổ chức, Ban lãnh đạo hội nhất quyết giới thiệu một cá nhân làm Chủ tịch hội trong khi có rất nhiều ý kiến băn khoăn vì người này có nhiều hoạt động, phát ngôn “dị”, không đúng với đường lối đối ngoại của nhà nước. Nếu quan điểm là giao quyền tự chủ cho các hội, trường hợp này giải quyết ra sao, ông Hiểu đặt câu hỏi.

Một chuyện khác được dẫn ra, khi ông Hiểu làm Chủ tịch Hội Sinh viên Hà Nội, khi có thông tin Trung Quốc lập thành phố Tam Sa, sinh viên Việt Nam nhanh chóng tập hợp, kéo đến cổng đại sứ quán nước bạn để phản đối. Để đảm bảo trật tự khi đó nhất thiết phải dựa vào những thủ lĩnh tinh thần của các nhóm sinh viên nhưng tìm mãi Chủ tịch Hội sinh viên các trường thì toàn người không còn làm sinh viên, không có mặt trong hoạt động của các nhóm, lý do vì luật quy định tuổi của lãnh đạo các hội cao hơn tuổi sinh viên.

Một số ý kiến khác tại hội nghị cũng góp ý về cách thức phân loại Hội để từ đó có chính sách phù hợp tương ứng. Nhiều ý kiến ủng hộ phương án phân thành hai loại. Loại 1 là hội có tư cách pháp nhân, chia thành 2 nhóm nhỏ hơn là tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức phi chính phủ. Loại thứ 2 là hội không có tư cách pháp nhân, không cần phải đăng ký (người tham gia phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật).

P.Thảo