"Biển Đông diễn biến phức tạp, ngư dân vẫn quyết tâm bám biển"

(Dân trí) - Ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi cho biết, từ tháng 5/2014 đến hết tháng 12/2015, có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản. Mặc dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, ngư dân vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa.

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi trình bày tham luận “Quảng Ngãi phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia” tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

 


Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi.

 

Bí thư tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nhiều thế kỷ trước, nhất là đầu thế kỷ 19, lớp lớp các thế hệ dân phu từ đảo Lý Sơn đến xã Bình Châu vâng lệnh các Vua, Chúa nhà Nguyễn lên đường ra Hoàng Sa và Trường Sa để thực thi chủ quyền, dựng bia cắm mốc và khai thác sản vật. Nhiều ngôi mộ gió và các kỷ vật, sắc chỉ, chỉ dụ của các triều vua còn lưu lại trên đảo Lý Sơn như minh chứng hùng hồn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong tâm thức mỗi cán bộ, đảng viên và 1,3 triệu người dân Quảng Ngãi, biển là một phần máu thịt, quý giá và thiêng liêng.

Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa. Quảng Ngãi đã phối hợp với các Bộ, Ngành Trung ương đẩy mạnh công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; gìn giữ hòa bình, ổn định an ninh trên biển.

Lực lượng bảo vệ biển, đảo được chú trọng xây dựng cả về tổ chức, biên chế; các công trình phòng thủ dọc tuyến ven biển và trên đảo Lý Sơn được đầu tư xây dựng khá kiên cố; công tác huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ được thực hiện thường xuyên; định kỳ tổ chức diễn tập phòng thủ khu vực nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển, đảo và ven biển của tỉnh; công tác tuần tra, kiểm soát, tìm kiếm, cứu nạn trên biển được tăng cường.

Công tác bảo hộ ngư dân và tàu thuyền được thực hiện kịp thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao can thiệp với các nước đưa ngư dân và tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ về nước an toàn, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho ngư dân bị nạn trên biển, bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tàu, tài sản, góp phần ổn định đời sống, giúp ngư dân an tâm tiếp tục vươn khơi bám biển.

Quảng Ngãi là một trong số các địa phương thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn khai thác ở vùng biển xa, chủ yếu là ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đến nay, toàn tỉnh có 5.480 chiếc tàu với tổng công suất 934.000 CV; trong đó, có hơn 1.870 tàu có công suất từ 90CV trở lên; xây dựng 03 khu neo đậu tránh trú bão, 03 công trình hạ tầng nuôi trồng thủy sản, 16 nhà máy chế biến thủy sản, 24 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền; thành lập, kiện toàn 10 nghiệp đoàn nghề cá với 6.000 đoàn viên và 307 tổ đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển. Năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 167.540 tấn các loại, giải quyết việc làm cho hơn 4 vạn lao động trực tiếp trên biển; diện tích nuôi trồng thủy sản gần 1.300 hecta, sản lượng đạt 5.850 tấn.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 thể hiện trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, tỉnh Quảng Ngãi xin kiến nghị: Có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển phát triển, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn để nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển; đồng thời có chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân giàu mạnh tức là nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đối với huyện đảo Lý Sơn, đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng nơi đây trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Ở nơi nào ngư dân sinh sống và sản xuất là thể hiện trên thực tế chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; vì vậy, cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo và vùng ven biển, đảm bảo an sinh xã hội để người dân ra định cư lâu dài trên các đảo, nhất là những đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển đảo.

Anh Thế - Phúc Hưng (lược ghi)