Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Không thể có trường đại học… vô chủ!

(Dân trí) - “Không làm rõ các quyền của chủ sở hữu trường đại học thì đại học như không có chủ, rất nguy hiểm. Không thể có đại học vô chủ, đại học phải có chủ và người chủ phải làm đúng quyền của mình”- Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân góp ý sửa luật Giáo dục đại học.

Phát biểu trước Quốc hội với từ cách “một thầy giáo già quá tuổi nghỉ hưu”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề cập vấn đề xác định “chủ sở hữu” đại học.

Từ kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, Bí thư Nhân góp ý, nên viết rõ trong luật cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước là chủ sở hữu đầu tư, đảm bảo hiệu quả lao động. Chữ "chủ sở hữu", theo ông Nhân là rất quan trọng vì đó là người đề xuất và được chấp nhận lập đại học, là người đầu tư cho đại học phát triển. Như vậy, đó phải là người có quyền quyết định nhân sự bởi chủ sở hữu mà không quyết định nhân sự thì nhân sự đó sẽ vận hành đại học theo hướng khác.


Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên thảo luận luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học tại Quốc hội sáng 6/11.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên thảo luận luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học tại Quốc hội sáng 6/11.

Đại học tư thục, theo đó, cũng phải đảm bảo điều kiện về vấn đề sở hữu cho người đầu tư (là cá nhân, tổ chức trong hoặc ngoài nước), để tránh tình trạng như doanh nghiệp nhà nước trong thời gian dài phải mất nhiều thời gian để xác định ai là chủ sở hữu.

Trong dự thảo luận, ông Nhân chỉ rõ, có đề cập đến yếu tố chủ sở hữu nhưng không định nghĩa rõ ràng khái niệm này. Chủ sở hữu cần có đủ 4 quyền bao gồm quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý, chế tài đơn vị này khi vi phạm pháp luật.

“Nếu không làm rõ điều này thì đại học như không có chủ, rất nguy hiểm. Không thể có đại học vô chủ, đại học phải có chủ và người chủ phải làm đúng quyền của mình” – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Người chủ sở hữu này, với đại học công lập, chính là Hội đồng trường. Nhưng trong hội đồng đó cũng phải xác định người đại diện cho quyền chủ sở hữu nhà nước để quản lý, giám sát trường. Quy trình được viết ra trong dự thảo luật là hội đồng trường trình ra người đại diện này và gửi cho Bộ GD-ĐT hoặc UBND để phê duyệt, theo ông Nhân là hơi ngược vì đáng lẽ chủ sở hữu trường phải là người chọn ra người của mình, đảm bảo theo yêu cầu của mình thì mới ra được hội đồng trường.

Các trường đại học cũng “e dè” với tự chủ?

Nội dung này, theo Bí thư Thành ủy TPHCM, liên quan lớn đến vấn đề tự chủ đại học. Phân tích các quy định trong dự thảo luật về việc trường đại học thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình theo quy định pháp luật, Bí thư Nhân bình luận là đúng nhưng chưa đủ.

Ông đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm giải trình của người điều hành trường trước chủ sở hữu, trước người học, trước xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan để có giải trình đó. Có đảm bảo các yếu tố đó mới có cơ chế xem xét các vấn đề của trường đại học từ trong ra ngoài.

Liên quan đến chủ trương tự chủ đại học, đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) cho rằng, đây là xu thế tất yếu của mọi trường đại học trên thế giới. Các trường đại học trong nước cũng cần hướng theo xu thế này để nâng cao năng lực cạnh tranh của trường.

“Nhà nước cần quan tâm chung trên tinh thần tạo ra được động lực để phát triển, dần dần tập cho các trường, tạo cho các trường năng lực tự chủ. Về mặt nguyên lý để phát triển thì sự cạnh tranh là một trong những động lực cơ bản nhất cho tất cả các phát triển. Đây là một xu hướng, dù khó khăn ngay từ đầu, các trường cũng rất e dè, nhưng tôi nghĩ các trường sẽ ủng hộ và đây là hướng tạo ra năng lực thực sự cho các trường đại học, cho quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học" – ông Hồ Thanh Bình nói.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) gợi ý, cần có quy định rõ trong luật để đảm bảo tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không cấp kinh phí cho các trường đại học. Theo đó, làm rõ việc cấp kinh phí cho nhiệm vụ gì và theo lộ trình nào? Các trường Đại học tự chủ như thế nào để hướng tới mục tiêu cuối cùng là đào tạo ra lực lượng lao động tri thức đáp ứng yêu cầu thực tế của nền kinh tế - xã hội.

Ông Kim lập luận: “Nhà nước tham gia một phần ngân sách, còn một phần nữa anh phải tự hoạt động để tạo ra thêm và cộng lại giữa Nhà nước và xã hội hóa này sẽ tạo ra nguồn kinh phí dồi dào để có thể giải quyết được những vấn đề yêu cầu đơn vị đó đặt ra. Giữa các trường sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau để trở thành trường có đông học sinh, sinh viên ra trường được, thị trường lao động tiếp nhận”.

P.Thảo