“Bao giờ có một môi trường sạch để Việt Nam cất cánh?”

(Dân trí) - Môi trường kinh doanh “trên trải thảm, dưới rải đinh”, môi trường sống mất an toàn vì thực phẩm bẩn, vì tội phạm hoành hành, môi trường văn hoá tràn bạo lực, môi trường công vụ thì tham nhũng lớn, tham nhũng vặt tràn lan… Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến “xả” bức xúc tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng nay, 1/4.

Đây là phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sau cùng của Quốc hội khoá XIII.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) trở lại câu chuyện về vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà ông đã từng “kêu” tại kỳ họp trước là “con đường từ nghĩa địa đến bàn ăn chưa bao giờ ngắn như bây giờ”.

Ông Vinh bức xúc với việc liên tiếp có những thông tin thương lái tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ, rồi người chăn nuôi cho gia súc ăn thêm hoá chất để tạo nạc, dùng chất vàng ô để nhuộm cho da gà vàng, người trồng chuối tiêm hoá chất để cho chuối chín vàng đều, người bán thịt bơm nước vào thịt lợn, bò để tăng trọng lượng, nội tạng động vật hôi thối được ngâm hoá chất để tẩy trắng…

Vấn nạn thực phẩm không an toàn là nguyên nhân khiến bệnh ung thư tăng cao ở nước ta trong những năm qua và đang trở thành nỗi ám ảnh của các gia đình Việt Nam.

Đại biểu Lê Như Tiến chia sẻ nhiều bức xúc về môi trường kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay (ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Lê Như Tiến chia sẻ nhiều bức xúc về môi trường kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay (ảnh: Quochoi.vn)

Chung bức xúc này, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng mất an toàn thực phẩm là một biểu hiện cho thấy môi trường của Việt Nam chưa sạch để đất nước cất cánh. Ông Tiến nhấn mạnh việc hàng ngày, người dân thay vì phải bổ sung dinh dưỡng để hoạt động, cống hiến thì lại được bổ sung toàn độc tố.

Cuộc sống thì mất an toàn, tiêu biểu như hình ảnh ám ảnh về nữ du khách nước ngoài nước mắt ròng ròng vì bị cướp trên phố ở TPHCM.

Đại biểu đề nghị đưa thêm chỉ số vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cuộc sống vào đánh giá chất lượng sống.

Ngoài ra, tình trạng bạo lực học đường cũng nhan nhản khiến phụ huynh học sinh thấy bất an ở những môi trường mà người ta tưởng là an toàn nhất. Vụ việc mới nhất một bé gái mới vào lớp 1 bị cô giáo đánh thâm tím mặt mày, phải nhập viện điều trị, hàng loạt bé gái khác bị thầy giáo xâm hại xảy ra ở Lào Cai, ông Tiến nhận xét là một biểu hiện tận cùng của môi trường đạo đức xã hội băng hoại.

Môi trường sống, từ những khía cạnh khác như môi trường đầu tư kinh doanh, đại biểu dẫn lại hình ảnh so sánh “đất lành nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết chim”. Như vậy nghĩa là kêu gọi đầu tư kiểu trên trải thảm, dưới rải đinh. Môi trường hội nhập của doanh nghiệp cũng đầy thách thức trước một rừng, một mớ bòng bong những điều ước quốc tế được ký kết mà không có người chỉ dẫn, báo đường.

Môi trường công vụ cũng được đại biểu Quảng Trị đề cập như một điểm đen đau xót trên cơ thể nhiều bệnh của nền kinh tế đất nước. Đó là nạn tham nhũng.

“Tham nhũng lớn, tham nhung vặt khắp nơi khiến ngay cả người đứng đầu Đảng cũng phải đặt câu hỏi “cái gì cũng chạy, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, vậy ai chạy, chạy ai?”. Chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri cũng phải đau xót nói với cử tri về vấn nạn tham nhũng. Thủ tướng thì đã phát biểu, dù đau đớn cũng phải cắt bỏ ung nhọt tham nhũng. Phó Chủ tịch nước thì nói “người ta ăn hết của dân không từ một cái gì” – Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội dẫn chứng hàng loạt phát ngôn của các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước để khái quát về môi trường công vụ thiếu lành mạnh hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có môi trường sạch cho Việt Nam cất cánh, ông Tiến chia sẻ khi bước chân vào nghị trường, nhận trọng trách làm một đại biểu Quốc hội 2 nhiệm kỳ trước, ông đã được một vị lão thành cách mạng dặn dò và luôn lấy đó làm kim chỉ nam để hành động, để khỏi lạc bước. Lời dặn đó, ông mong các vị đại biểu Quốc hội của khoá mới luôn nhớ rõ: “Dân vạn đại quan nhất thời – Người xưa đã dạy xin người chớ quên”.

P.Thảo