“Báo chí được quyền dự họp Thường vụ Quốc hội, nhưng là… khi được mời”

(Dân trí) - Giải thích về việc hạn chế báo chí theo dõi, đưa tin về các phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội gần đây, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dẫn giải, trong quy chế làm việc của cơ quan này có quy định báo chí được quyền tham dự phiên họp của Thường vụ nhưng “là khi được mời chứ không phải có quyền tham gia tất cả”…

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo trước kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo trước kỳ họp.

Tổng thư ký Quốc hội đã trả lời như vậy tại cuộc họp báo trước kỳ họp Quốc hội thứ 4 được tổ chức chiều nay, 20/10.

Chủ trì phiên họp báo, ông Phúc nhận được các câu hỏi xung quanh việc các cuộc họp của UB Thường vụ Quốc hội gần đây có nhiều nội dung hạn chế báo chí tham dự. Đơn cử như phiên thảo luận, cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, là nội dung được quy định là công khai nhưng rất ít báo được dự đưa tin.

Báo giới đặt vấn đề, sự hạn chế đó có phù hợp với Điều 4 trong Nội quy làm việc của UB Thường vụ Quốc hội hay không khi Điều 4 quy định “các cơ quan báo chí được tham dự và đưa tin các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại khu vực dành riêng cho báo chí”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, nơi chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, đòi hỏi có thời gian và điều kiện để thành viên Thường vụ bàn sâu, bàn kỹ các vấn đề.

Vì thế, Tổng thư ký Quốc hội lý giải, công tác báo chí rất thận trọng. Văn phòng Quốc hội đã xin ý kiến lãnh đạo Thường vụ Quốc hội để có quy định về báo chí trong việc đưa tin các phiên họp trên cơ sở luật báo chí để thực hiện.

Đối chiếu với Điều 4 Nội quy làm việc của UB Thường vụ Quốc hội, ông Phúc dẫn giải, trong quy chế có quy định báo chí được quyền tham dự phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội nhưng quyền này là “khi được mời chứ không phải có quyền tham gia tất cả”.

Tổng Thư ký Quốc hội giải thích thêm, đối với dự án Luật trình lần đầu, cần xin ý kiến sâu thì Thường vụ hạn chế báo chí, thậm chí có nội dung không mời báo chí, còn các văn bản sau khi qua thảo luận tại UB thường vụ Quốc hội rồi, trình Quốc hội rồi thì đương nhiên nội dung đó công khai, không hạn chế báo chí đưa tin. Tổng Thư ký dẫn chứng với dự thảo luật An ninh mạng được trình xin ý kiến Thường vụ lần đầu vừa qua, không cơ quan báo chí nào được nghe.

Thông tin về nội dung quan trọng tại kỳ họp Quốc hội lần này là công tác nhân sự, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết kế hoạch, Quốc hội sẽ thảo luận tại đoàn và hội trường để tiến hành miễn nhiệm, phê chuẩn bổ nhiệm hai chức danh Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Để Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ mới có thể tiếp cận ngay công việc tại kỳ họp này , công tác nhân sự được bố trí tiến hành ngay trong tuần làm việc đầu tiên.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng chủ trương sẽ giảm thời gian trình bày báo cáo tại hội trường (mỗi báo cáo được trình bày không quá 15 phút, trừ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội), tăng thời gian thảo luận. Trong 26 ngày làm việc, có 11 ngày, chương trình nghị sự sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi, giám sát hoạt động của cả Chính phủ và Quốc hội. Hai nội dung lần đầu tiên được bố trí thảo luận tại hội trường là về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

P.Thảo