Bảng xếp hạng về cải cách hành chính: Đong đếm nỗ lực 19 Bộ, ngành

(Dân trí) - Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 cho thấy có 9 Bộ tăng điểm số, nâng thứ hạng. Ở chiều ngược lại, không ít Bộ “tụt lùi” với điểm số sụt giảm không nhỏ…

Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa được Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố.

Trong nhóm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, có 12 Bộ đạt kết quả chỉ số trên 80% như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp…

Nhóm đạt kết quả chỉ số cải cách từ 70% đến dưới 80% gồm: Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Giao thông -Vận tải, Thanh tra Chính phủ, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, UB Dân tộc.

Bộ Nội vụ - cơ quan đo đếm chỉ số khái quát, giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của 19 bộ, cơ quan ngang bộ là 79.92% và không có Bộ nào có kết quả chỉ số dưới 70%. Ngân hàng Nhà nước có chỉ số PAR INDEX 2017 cao nhất (92,36%). UB Dân tộc có kết quả thấp nhất (72,13%).


Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của 19 Bộ, ngành

Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của 19 Bộ, ngành

Có khá nhiều biến động trong nhóm các Bộ, ngành. 9 Bộ có điểm số tăng, 10 Bộ giảm so với bảng xếp hạng năm 2016.

Nhóm các Bộ tăng điểm, lên hạng trên bảng PAR INDEX là Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Một vài con số cụ thể, Bộ Lao động tiến bộ “vượt bậc”, từ 71,92% năm 2016 lên 80% năm 2017. Bộ Tư pháp, có số điểm tăng từ mốc 82,9% năm 2016 tăng lên 83,93 %năm 2017. Bộ này, theo đó, tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng, từ hạng 6 lên hạng 4 trong số 19 Bộ, ngành.

Về các chỉ số thành phần, có 3 Bộ có kết quả chỉ số công tác chỉ đạo, điều hành cao nhất là Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin – Truyền thông. Các chỉ số quan trọng như xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; hiện đại hóa hành chính… cũng đều ghi nhận những “cái tên” thuộc top 5 Bộ đứng đầu bảng xếp hạng.

Một con số được đo đếm khác là về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương là đơn vị đi đầu, sau đó tới các Bộ Giao thông vận tải (đề xuất cắt giảm 15% trong tổng số 498 điều kiện), Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn (đề xuất cắt 118/345 điều kiện), Bộ Tư pháp (đề xuất cắt giảm 43 điều kiện, tương đương 43,43%)…

Ở chiều ngược lại, điểm số cải cách hành chính của Bộ Y tế từ 79,69% năm 2016 giảm xuống còn 72,40%, giảm 7,29%. Chung cuộc, Bộ này tụt từ vị trí thứ 11 năm 2016 xuống thứ 18 năm 2017.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng có sự sụt giảm về điểm số và thứ hạng trong kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 so với năm trước. Bộ này đã tụt từ thứ hạng 9/19 năm 2016 xuống thứ 17/19, chỉ trên Bộ Y tế 1 bậc. So với năm 2016, điểm số của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã giảm từ 80,59% xuống 72,61%.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn chứng những Bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin – truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp như những ví dụ tiêu biểu cho việc nỗ lực cải cách hành chính, đạt được kết quả cao trong năm vừa qua. 2017 với Bộ Tư pháp còn là năm thứ 2 liên tiếp có những cải thiện thứ hạng đáng kể, để vượt từ vị trí thứ 9 năm 2015 lên vị trí thứ 4 hiện nay.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với trọng tâm là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Về việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, theo đánh giá chung, thời gian qua, việc người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc giảm đáng kể, thể hiện qua 78,09% số người được hỏi khẳng định chỉ cần đi lại 1-2 lần trong quá trình giải quyết công việc; 16,94% đi lại 3 - 4 lần.

Tuy nhiên, vẫn còn có người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, với 2,42% số người được hỏi đi lại 5 -6 lần và 2,47% đi lại 7 lần trở lên.

Ngoài ra, theo thống kê, 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình đi giải quyết công việc. Ngoài ra, 1,85% số người được hỏi khẳng định có hiện tượng cán bộ gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định.

P.Thảo