Thanh Hóa:

“Bác của chúng ta giản dị, gần gũi, tâm tình lắm!”

(Dân trí) - Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ký ức được gặp Bác Hồ dường như vẫn còn khắc sâu trong tâm trí cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Văn Kỷ (thị trấn Rừng Thông, Đông Sơn, Thanh Hóa). Nhớ về Bác, ông Kỷ nhắc đi nhắc lại câu nói: “Bác của chúng ta giản dị, gần gũi, tâm tình lắm!”.

Ông Nguyễn Văn Kỷ (SN 1934) trong một gia đình nghèo ở Yên Giang, huyện Yên Định. Tháng 2/1953, khi mới tròn 19 tuổi, ông cùng 100 người con Thanh Hóa lên đường gia nhập TNXP- Đội 36.

Đội của ông có nhiệm vụ sát cánh cùng lực lượng quân đội, công an thực hiện chủ trương quan trọng là đánh bại âm mưu của kẻ thù bảo vệ an toàn khu (ATK) Trung ương Đảng, Chính phủ - cơ quan đầu não kháng chiến của ta ở Việt Bắc.

Hành quân ròng rã hơn 1 tháng cùng với hàng nghìn TNXP ở Thanh Hóa và các tỉnh Bắc miền Trung từ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đến tỉnh Thái Nguyên bằng đường rừng vào ban đêm. Vừa đi, đoàn vừa làm nhiệm vụ mở đường để đến nơi tập kết làm nhiệm vụ bảo vệ ATK - phục vụ, bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan đầu não của Trung ương tại Việt Bắc để chỉ đạo kháng chiến toàn quốc, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hàng chục năm trôi qua nhưng ký ức về những lần được gặp Bác Hồ vẫn còn mãi trong trí óc cựu TNXP Nguyễn Văn Kỷ
Hàng chục năm trôi qua nhưng ký ức về những lần được gặp Bác Hồ vẫn còn mãi trong trí óc cựu TNXP Nguyễn Văn Kỷ

“Sau 1 tháng hành quân, đoàn chúng tôi đã đến nơi tập kết, tôi được phân công làm Trung đội trưởng Trung đội Giám mã (trông coi chăm sóc ngựa, dắt ngựa đưa, đón cán bộ Trung ương và cố vấn Trung Quốc sang giúp ta...). Công việc tưởng đơn giản nhưng vô cùng nguy hiểm và đòi hỏi bản thân phải nỗ lực cố gắng rất nhiều” – ông Kỷ nhớ lại.

Rồi ông kể: “Để tránh sự theo dõi của mật thám, ban ngày tôi với đồng đội đi lấy cỏ và chăm sóc ngựa. Hầu hết các buổi tối, Trung đội Giám mã của chúng tôi mới làm nhiệm vụ chính là đưa, đón các đoàn của Trung ương, cố vấn Trung Quốc đi làm. Đoàn chúng tôi có khoảng 20 người, trong đó có cả công an vũ trang, riêng Trung đội Giám mã cử từ 6 đến 7 người làm nhiệm vụ dẫn đường. Đường vô cùng hiểm trở, nước suối chảy xiết, thi thoảng chúng tôi mới sử dụng đèn pin để soi đường và quan trọng là phải dắt ngựa đi cho êm, bảo đảm an toàn tính mạng cho cả đoàn đến địa điểm”.

Nhớ về những ngày tháng phục vụ kháng chiến, cựu TNXP hồ hởi chia sẻ: “Xa nhà giữa lúc đất nước còn chiến tranh, bao nguy hiểm trên đường hành quân và trải nghiệm nơi chiến trường ác liệt nhất không biết trước ngày trở về. Ngày tháng qua đi, suốt thời gian trong Trung đội Giám mã, chúng tôi mỗi người một việc, làm rất bí mật. Người thì chuyên làm đường, lấy cỏ ngụy trang, lấy tranh lợp nhà, tải lương thực do nước ngoài viện trợ... Việc tuy gian khổ nhưng anh em chúng tôi hăng say lắm, lúc nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Với ông Kỷ dù nhiều lần được vinh dự gặp Bác Hồ nhưng lần nào cũng có cảm giác như lần đầu tiên
Với ông Kỷ dù nhiều lần được vinh dự gặp Bác Hồ nhưng lần nào cũng có cảm giác như lần đầu tiên

Trong suốt quá trình từ tháng 3/1953 đến tháng 5/1954 làm nhiệm vụ ở ATK, điều mà ông Kỷ nhớ nhất đó là ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ 4 lần.

“Lần đầu tiên tôi được gặp Bác là khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ ở ATK, bỗng thấy anh em nói có Bác Hồ đến, rồi tôi nghe tiếng hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Tôi còn nhớ như in giây phút ấy, giây phút hồi hộp xen lẫn tò mò. Lâu nay chúng tôi chỉ được nghe nói về Bác, được nghe Bác nói trên đài phát thanh chứ chưa được thấy Bác bằng da bằng thịt, tôi cùng anh em bỏ hết công việc chạy lên hội trường của ATK để được nhìn Bác. Nhưng vì ngại nên anh em chúng tôi cứ thập thò ngoài cửa. Bác nhìn thấy chúng tôi rồi Bác đưa tay lên vẫy vẫy bảo “các chú vào đây, không có ghế thì các chú đứng. Lúc ấy chúng tôi vui sướng lắm. Bác trò chuyện, hỏi thăm gia đình, anh em chúng tôi... và coi chúng tôi như con cháu trong nhà” – ông Kỷ nhớ lại.

Sau lần ấy, cũng tại địa điểm ATK này, ông Kỷ còn được vinh dự gặp Bác 3 lần nữa. Với ông Kỷ, lần nào cũng đều có tâm trạng giống như lần đầu. Cứ nghe Bác Hồ đến là anh em chạy lên để nghe Bác tâm sự. Ông bảo cũng phục vụ trong ATK nhưng không phải ai cũng có vinh dự được gặp Bác mà chỉ có một số anh em như ông làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo cấp cao mới được gặp.

Ông kể, Bác của chúng ta lúc nào cũng ân cần, quan tâm đến mọi người. Trong lần Bác về ATK cùng các chuyên gia Trung Quốc, Bác đã hỏi đoàn về công tác ở Việt Nam có khó khăn gì không. Một số chị em phụ nữ của đoàn thì được Bác quan tâm hỏi han rằng đã có cô nào lập gia đình chưa rồi Bác lại quay sang hỏi anh em trong ATK “Tinh hình sức khỏe của anh em thế nào? Anh em phục vụ trong ATK có khó khăn gì không?” Bác động viên anh em phải cố gắng, khó khăn nào cũng phải khắc phục, vượt qua.

Tư liệu và những hình ảnh về Bác được ông Kỷ sưu tầm và nâng niu như báu vật
Tư liệu và những hình ảnh về Bác được ông Kỷ sưu tầm và nâng niu như báu vật

Sau những lời thăm hỏi động viên, Bác bắt nhịp bài hát Kết đoàn để toàn thể mọi người cùng hát. Ông Kỷ chia sẻ, Bác chỉ trò chuyện tầm 30 phút nhưng những lời Bác nói, Bác dặn đã khắc ghi trong tâm trí mọi người.

Hình ảnh Bác trong trí nhớ của cựu TNXP Nguyễn Văn Kỷ là Bác Hồ với bộ quần áo nâu đã bạc màu, trên cổ quàng chiếc khăn mặt để lau mồ hôi. Việc đầu tiên Bác đến ATK bao giờ cũng là đi thăm nơi nhà ăn xem nhà ăn có sạch sẽ hay không, đi thăm giếng nước xem nước có vệ sinh hay không. Những căn nhà chuẩn bị để Bác vào thăm thì Bác không vào vì Bác biết đã có sự chuẩn bị trước.

Ông Kỷ còn nhớ, sau này ông còn thêm một lần được gặp Bác đó là trong cuộc hội nghị anh hùng, bác biết bà Nguyễn Thị Chiên (người Thái Bình, nữ anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam), không ăn cơm bằng đũa sơn được, Bác đã nhắc anh em phục vụ phải lấy đũa gỗ hoặc đũa tre cho bà. Điều này, khiến ông Kỷ nhớ mãi về sự quan tâm, ân cần của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Hàng chục năm trôi qua, ông bảo điều gì có thể quên được chứ những giây phút được gặp Bác Hồ chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí ông. Với ông đó là điều vinh dự và tự hào nhất trong suốt cuộc đời cách mạng của mình. Sau này, khi nghỉ hưu, trở về quê nhà, ông đều dành thời gian để tìm hiểu, sưu tầm những tư liệu về Bác. Trong căn nhà nhỏ, hình ảnh Bác Hồ, tượng Bác Hồ bằng đồng được ông cẩn thận trưng bày ở nơi trang trọng nhất.

Nguyễn Thùy