An ninh chính trị, kinh tế lên bàn nghị sự hội nghị nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương

(Dân trí) - Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn liên nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương ( APPF 26) từ ngày 18-21/1 tại Hà Nội với các phiên thảo luận về các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, hợp tác phát triển trong khu vực.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội chủ trì họp báo
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội chủ trì họp báo

Chiều 17/1, tại buổi họp báo trước hội nghị APPF 26, Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội - Phó Trưởng ban tổ chức APPF 26 Nguyễn Văn Giàu cho biết, chủ đề của hội nghị lần này là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”. Chủ đề này phản ánh xu hướng phát triển của ngoại giao nghị viện trên thế giới, đặc biệt là trên các diễn đàn đa phương cũng như những quan tâm chung của các quốc gia, đó là hòa bình, ổn định, phát triển bền vững.

Chủ đề này, theo ban tổ chức APPF 26 cũng định hướng cho các nghị viện thành viên APPF về một tầm nhìn cho APPF, một tương lai chung cho tất cả mọi thành phần với sự đóng góp và sáng tạo của các nghị viện thành viên nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi người dân.

Hội nghị APPF 26 gồm nhiều phiên họp, trong đó có các phiên về các vấn đề chính trị và an ninh, kinh tế và thương mại, hợp tác phát triển trong khu vực...

Theo chương trình nghị sự, phiên các vấn đề chính trị và an ninh sẽ thảo luận về các chủ đề: thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới và đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia.

Các tham luận ở phiên này sẽ đề cập những vấn đề quan trọng, nổi bật, liên quan đến hòa bình, an ninh tại Châu Á- Thái Bình Dương cần sự hợp tác của ngoại giao nghị viện, trong đó có những vấn đề như tình hình bán đảo Triều Tiên, tình hình hợp tác an ninh hàng hải, an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và vấn đề người Rohingya ở Myanmar.

Với phiên các vấn đề kinh tế và thương mại có ba chủ đề được thảo luận.

Chủ đề một là về “Vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện”. Tại phiên họp này, các nghị sỹ sẽ phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn từ vai trò của mình đối với các vấn đề như phát triển chuỗi giá trị toàn cầu, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại dịch vụ và đầu tư, loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan, phát triển thương mại điện tử, nâng cao năng lực tham gia các FTA thế hệ mới, kết nối khu vực...

Chủ đề thứ hai về “An ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững” sẽ bám sát một nội dung quan trọng của Tuần lễ Cấp cao APEC năm nay. Nghị viện có vai trò quan trọng để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong đó có đảm bảo an ninh lương thực thông qua những hành động, giải pháp cụ thể. Tất cả những nội dung này đều cần phải được đưa vào các văn bản lập pháp và chương trình, kế hoạch phát triển của Quốc hội các nước.

Chủ đề ba là về hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số được ban tổ chức nhấn mạnh là một nội dung được các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương rất quan tâm. Các nghị sỹ tham gia vào lĩnh vực này thông qua việc xem xét, thảo luận kinh nghiệm trong hoạt động của nghị viện nhằm phát triển các MSME xanh, nâng cao khả năng của MSME tiếp cận tài chính, công nghệ, tạo thuận lợi cho các MSME tiếp cận các Hiệp định FTA và chuỗi giá trị toàn cầu.

P.Thảo