61 năm giải phóng Thủ đô: Nhìn lại để bước tới

Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Thủ đô Hà Nội vừa kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh, nay lại rực rỡ cờ hoa đón ngày giải phóng (10/10/1954-10/10/2015). Sau 61 năm kể từ khi đón chào những đoàn quân chiến thắng, gần 30 năm tiến hành đổi mới cùng đất nước, đời sống người dân và bộ mặt Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà cao tầng san sát rực rỡ ánh đèn, những đường phố rộng rãi, những cây cầu ngang dọc... Hà Nội đang vươn cao và trải rộng để hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại. 

Đã 91 năm sống tại Hà Nội, ông Lê Thao ở quận Hà Đông (từng là tự vệ chiến đấu thành Hà Nội và tham gia giải phóng Thủ đô) cho biết: ở thời điểm trước và sau khi giải phóng năm 1954, Hà Nội còn nghèo nàn, lạc hậu, phần nhiều là nhà tranh vách đất. Chỉ một số tuyến phố chính có đường nhựa, các ngõ phố, đường làng hầu hết là đường đất, đường sỏi lầy lội khi trời mưa và bụi mù khi trời nắng. Các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Tây Hồ và nhiều quận khác còn mang dáng dấp đặc trưng của vùng thuần nông.

“Phố xá lúc đó vắng vẻ, người đi lại ít, đời sống người dân lúc đó khó khăn lắm. Nhưng bây giờ đã phát triển mạnh hơn nhiều”, ông Thao nói.

Bộ mặt Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại hơn (Ảnh minh họa)
Bộ mặt Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại hơn (Ảnh minh họa)

Trước năm 1986, cảnh xếp hàng chờ đến lượt lấy nước sạch về dùng, hay xếp hàng chờ mua lương thực thực phẩm đã trở thành đặc trưng của Hà Nội. Không chỉ ở nông thôn, ngay cả thành thị, phần lớn các gia đình đều trong cảnh thiếu trước hụt sau.

Thế nhưng, gần 30 năm đổi mới, bộ mặt Thủ đô đã có rất nhiều màu sắc tươi sáng, nhất là chất lượng và đời sống người dân được nâng cao. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người ở Hà Nội đạt khoảng 3.600 USD/năm. Thu nhập của lao động nông thôn đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo chỉ còn 1,71%. Cơ sở hạ tầng đang từng bước được đầu tư đồng bộ...

Chứng kiến những đổi thay của Hà Nội hôm nay, ông Nguyễn Hoàng Sâm ở phường Bưởi, quận Tây Hồ hồi tưởng: “Những đổi thay hôm nay thật tuyệt vời. Những ngôi nhà tranh, vách đất, người chết đói tôi đã từng chứng kiến giờ đã thay bằng những ngôi nhà cao tầng, đường làng ngõ xóm bê tông đã thay thế những con đường đất. Giải phóng miền Nam, nhà nào có xe đạp đã oai lắm rồi. Bây giờ mỗi nhà có 2, 3 xe máy, có ô tô riêng. Trước kia chỉ có loa phóng thanh, giờ phòng ở nhà nào cũng có tivi”.

Thành tựu của 61 năm giải phóng Thủ đô, 30 năm đổi mới đã và đang tạo ra thế và lực mới cho Thủ đô đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi Hà Nội tiếp tục tập trung giải quyết.

Đó là kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô. Còn một số vấn đề dân sinh bức xúc như thiếu sân chơi cho người già và trẻ em; quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém; giải quyết ùn tắc giao thông chuyển biến chậm; môi trường sinh thái, nhiều nơi còn ô nhiễm; nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị có mặt còn hạn chế…

Ông Nguyễn Mạnh, phố Hàng Than, quận Ba Đình cho rằng, thành phố Hà Nội bày tỏ: “Sau đổi mới, Hà Nội thay đổi quá nhiều, đời sống nhân dân được nâng lên. Nhưng nếp sinh hoạt bây giờ cũng chưa thật kỷ cương. Các nước khác, vứt mẩu thuốc lá ra đường là bị phạt, cấm hút thuốc ở nơi công cộng, ở ta công tác quản lý đô thị còn yếu”.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, để đáp ứng mong muốn của người dân cả nước và nhân dân Thủ đô, Hà Nội cần nâng cao chất lượng quản lý đô thị.

“Để giải quyết triệt để như mong muốn của cử tri, toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc. Bởi dân số ở Thủ đô tăng lên quá nhiều, quá nhanh, đến 9 triệu người. Đó là áp lực lớn. Trước hết người dân phải có ý thức. Sau nữa là chính quyền, ngoài những biện pháp xử lý thông thường phải có chế tài đặc biệt để xử lý những điểm nóng và những người không tuân thủ quy chế quản lý đô thị”, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị.

Kỷ niệm 61 năm giải phóng Thủ đô cũng đúng dịp Hà Nội chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Trong giai đoạn 5 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8,5-9%, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt 6.700-6.800 USD.

Hà Nội sẽ huy động tối đa các nguồn lực, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội cũng còn rất nhiều việc phải làm, trong đó giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Không chỉ nhân dân Thủ đô mà nhân dân cả nước đều trông đợi vào những bước phát triển của Hà Nội để thêm tự hào về "trái tim hồng" của Tổ quốc.

Theo Nguyên Nhung
VOV