"6 tháng tinh giản 10.000 biên chế vẫn là quá thấp"

(Dân trí) - Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, 6 tháng đầu năm, cả nước thực hiện tinh giản được 10.000 biên chế. Con số này được đánh giá là… rất thấp so với yêu cầu giảm 1,5% biên chế mỗi năm (tương đương 40.000 người)…

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá kết quả tinh giản biên chế nửa năm qua quá thấp.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá kết quả tinh giản biên chế nửa năm qua quá thấp.

Phần phát biểu của các Bộ trưởng tại ngày làm việc thứ 2 của phiên họp Chính phủ tháng 6, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân điểm tên những bộ ngành, địa phương làm tốt việc tinh giản biên chế như các Bộ NN&PTNT, Tài nguyên – Môi trường, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Quảng Nam, Sơn La, Cao Bằng...

Dù vậy, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, cũng không ít cấp, ngành, địa phương đề nghị tinh giản không đúng tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng.

Ông Tân báo cáo số thống kê, trong 6 tháng đầu năm, cả nước tinh giản được 10.004 người (bằng 1/4 chỉ tiêu được giao), tính cộng cả năm 2015 tinh giản được 15.779 người.

“Tỷ lệ tinh giản biên chế đạt được như vậy là quá thấp so với yêu cầu giảm 1,5% mỗi năm, tương đương 40.000 biên chế trên tổng số hơn 2,6 triệu công chức, viên chức đang có hiện nay” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương tinh giản biên chế theo lộ trình, trước mắt quan trọng là số lượng công chức có giảm.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thúc giục các bộ ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để nâng tỉ lệ tinh giản biên chế của năm 2016. Theo ông Tân, từ năm nay, Bộ Nội vụ cũng chủ trương tăng cường ủy quyền cho các bộ ngành, địa phương trong thi tuyển công chức và thi nâng ngạch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc này vì chuyện cán bộ "kéo nhau đi thi" phức tạp.

“BOT có rất nhiều vấn đề”

Một vấn đề thời sự khác được đề cập trong phiên họp của Chính phủ là việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa nêu thực tế khó khăn trong việc tìm nguồn vốn phát triển giao thông nếu không có biện pháp đặc biệt trong nhiệm kỳ tới.

Vừa qua, các biện pháp huy động vốn qua hình thức BOT mang lại kết quả khả quan, nhiều địa phương đề nghị tiếp tục làm nhưng theo Bộ trưởng Nghĩa, “BOT có rất nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm”. Từ đó, ông Nghĩa đề nghĩ tính đến việc đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác.

Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông thì địa phương nào cũng kêu cần thiết, cấp bách. Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang tổng hợp các dự án cần triển khai, trong đó đặc biệt phải ưu tiên cho các dự án trục Bắc – Nam.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhận định, 5 năm qua, việc đầu tư cho giao thông đường bộ quá lớn, giao thông đường thủy dù có tăng trưởng nhưng vẫn thấp. Ông Nghĩa kêu gọi tăng cường đầu tư phát triển giao thông đường thủy, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Nam.

Nói đến dự án đường sắt tốc độ cao, lãnh đạo ngành giao thông cho biết, hiện nay Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai… đều đề nghị làm đường sắt tốc độ cao kết nối với Hà Nội, bởi nhu cầu kết nối kinh tế với phía Trung Quốc rất là lớn. Cho rằng đây là yêu cầu hợp lý, ông Nghĩa nêu rõ, hiện Việt Nam đang sở hữu hệ thống đường sắt gần như là lạc hậu nhất thế giới, do người Pháp để lại mà chúng ta không những không làm thêm mà chỉ gỡ bỏ đi nhiều. Bài toán tìm nguồn vốn để làm đường sắt tốc độ cao dù rất bức thiết nhưng thực sự khó khăn.

P.Thảo