15 năm miệt mài đưa hơn 500 hài cốt liệt sỹ về đất mẹ

(Dân trí) - 15 năm làm nhiệm vụ đặc biệt, thượng tá Bùi Quang Thư, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thanh Hóa không nhớ mình đã đặt chân lên biết bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu con sông, suối để tìm kiếm đồng đội. Trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, hành trình 15 năm ấy, ông cùng các chiến sỹ trong đơn vị đưa hơn 500 hài cốt liệt sỹ về với đất mẹ.

Mùa khô năm 1986, Thượng tá Bùi Quang Thư được Quân khu 4 điều động từ Sư đoàn 442 về Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa. Với cương vị Đội phó kiêm Bí thư Chi bộ Đội quy tập mộ liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ tại tỉnh Hủa Phăn (nước Lào), Thượng tá Thư đã có 15 năm trên hành trình đi tìm hài cốt đồng đội.

Ông còn nhớ như in chuyến đi đầu tiên sang Lào tìm hài cốt liệt sỹ là điểm núi cao Pha Thí cách Sầm Nưa 70km.

Do mộ liệt sỹ Việt Nam được chôn trên triền dốc, hài cốt liệt sỹ được gói bằng nhiều lớp nilon, tăng võng nên rễ cây không xuyên vào, nước không thấm vào hài cốt. Khi đào lên 17 bộ hài cốt vẫn nguyên vẹn, cứng đơ như xác ướp. Ông cùng các đồng đội đành gói lại bằng vải nilon rồi buộc chặt đưa lên võng cáng như cáng thương binh về vị trí tập kết.

Dù ở cương vị mới, thượng tá Thư vẫn tìm tòi, vẽ sơ đồ, thu thập tài liệu cung cấp và tham mưu cho Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ
Dù ở cương vị mới, thượng tá Thư vẫn tìm tòi, vẽ sơ đồ, thu thập tài liệu cung cấp và tham mưu cho Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ

“Đêm đó, toàn đội dùng rượu cồn để rửa sạch hài cốt liệt sỹ. Theo phong tục của người Lào không được đưa “con ma” vào bản nên số hài cốt liệt sỹ vừa tìm kiếm, cất bốc chúng tôi phải đưa vào rừng làm chòi cao để lên, phân công nhau canh gác thú rừng và hương khói cho các liệt sỹ. Những ngày sau đó, đội chúng tôi hành quân đến các địa điểm quanh căn cứ Pha Thí để tiếp tục tìm kiếm. Chuyến đầu tiên, sau bao ngày ăn ngủ trong rừng, đội đã tìm kiếm được 74 hài cốt liệt sỹ” – ông Thư kể lại.

Tìm được các anh là cả một kỳ tích nhưng đưa được các anh trở về là một hành trình dài với bao gian nan, vất vả. Ở Lào thời tiết khắc nghiệt phân định hai mùa rõ rệt. Để đưa 74 hài cốt liệt sỹ từ Pha Thí trở về Sầm Nưa, các chiến sỹ Đội quy tập phải vượt qua sông Nậm Ét.

Những khó khăn gian khổ trên đường đi tìm hài cốt liệt sỹ không khiến ông Thư cùng đồng đội sờn lòng
Những khó khăn gian khổ trên đường đi tìm hài cốt liệt sỹ không khiến ông Thư cùng đồng đội sờn lòng

“Hôm ấy trời mưa rất to, nước sông chảy xiết, bộ đội vừa bơi vừa đẩy mảng ghép bằng tre nứa bên trên để hài cốt liệt sỹ. Vượt được sông, toàn bộ đội hành quân đi bộ, riêng 74 hài cốt liệt sỹ được bố trí chở bằng xe. Tuy nhiên, đến bản Cò Hay, phải vượt qua một dốc cao, đường trơn, cua tay áo, chiếc xe chở hài cốt mất lái, lao xuống vực. Nhiều chiến sỹ tháp tùng, trong đó có tôi bị thương nặng. Mặc dù bị thương, trời tối nhưng các chiến sỹ vẫn cố gắng tìm đủ 74 hài cốt bị xe hất văng khắp nơi xếp gọn gàng để chờ đồng đội đến ứng cứu” – ông nhớ lại.

Nói về những gian nan, vất vả, đôi khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng để tìm được các anh trở về với đất mẹ, thượng tá Bùi Quang Thư chia sẻ: “Để đưa được các anh về quê hương, tôi cùng các chiến sỹ Đội quy tập đã có hàng trăm đêm ngủ lại nơi rừng thiêng nước độc, trải lá cây làm chiếu. Những trận sốt rét ác tính của tôi cùng đồng đội cũng là nỗi ám ảnh đến tận ngày hôm nay. Tuy nhiên, mỗi lần bàn giao hài cốt, được nhìn thấy niềm vui của thân nhân liệt sỹ, tôi và đồng đội lại có thêm nghị lực, niềm tin để vượt qua bao khó khăn, trở ngại tiếp tục băng rừng, vượt suối để sớm đưa các anh trở về”.

15 năm miệt mài làm công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, thượng tá Thư cùng những chiến sỹ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đưa hơn 500 hài cốt liệt sỹ về đất mẹ
15 năm miệt mài làm công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, thượng tá Thư cùng những chiến sỹ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đưa hơn 500 hài cốt liệt sỹ về đất mẹ

15 năm gắn bó với công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sỹ trên đất Lào, ông từng đặt chân lên biết bao cánh rừng, biết bao con sông, con suối, gần 100 bản thuộc 5 huyện của tỉnh Hủa Phăn. Hành trình 15 năm ấy, đã có 552 hài cốt chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam được ông cùng các chiến sỹ trong đơn vị đưa về an táng tại các nghĩa trang quê nhà.

Với người cựu binh 15 năm trực tiếp làm nhiệm vụ “đặc biệt” trên nước bạn Lào thì mỗi một bộ hài cốt được ông và các đồng đội tìm thấy là một lần nước mắt lại rơi, trái tim đau nhói. Mặc dù, bây giờ không còn trực tiếp tham gia nhiệm vụ “đặc biệt” này, tuy nhiên với cương vị Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, thượng tá Bùi Quang Thư vẫn tích cực tìm tòi, vẽ sơ đồ, thu thập tài liệu cung cấp và tham mưu cho Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

“Các liệt sỹ họ đã không tiếc máu xương, bỏ lại tuổi thanh xuân, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì nhiệm vụ thiêng liêng, nên việc đưa các anh trở về quê hương là trách nhiệm của những cựu chiến binh còn sống đối với những người đã khuất” - Thượng tá Bùi Quang Thư tâm sự.

Bình Minh