Tính thời gian nâng lương khi chuyển loại công chức

Bà Đỗ Thị Hằng (hangtin3k1@...) là công chức cấp xã ở Hà Nội, được tuyển dụng từ ngày 1/7/2010, xếp ngạch 01a.003, bậc lương 1/10, hệ số 2,1, thực hiện chế độ tập sự trong 12 tháng, hưởng 85% lương. Đến ngày 1/7/2011, bà Hằng được bổ nhiệm ngạch chính thức và hưởng 100% lương.

Tháng 8/2013, bà Hằng tốt nghiệp Đại học đúng chuyên ngành tuyển dụng và được chuyển xếp lương theo ngạch 01.003, bậc 1/9, hệ số 2,34 kể từ ngày 1/9/2013, thời gian xét nâng lương lần sau ở ngạch mới tính từ ngày 1/9/2013.

Bà Hằng hỏi, cơ quan có thẩm quyền quyết định thời điểm hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới đối với bà có đúng quy định không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Hằng như sau:

Thông tư số 02/2007/TT- BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức, quy định việc xếp lương khi chuyển loại công chức, viên chức được hướng dẫn tại khoản 3 Mục II Thông tư này như sau:

Trường hợp công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn và điều kiện được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển loại công chức, viên chức từ loại A0 sang loại A1; từ loại B, loại C sang loại A (gồm A0 và A1) hoặc từ loại C sang loại B, thì thực hiện như cách xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư này.

Theo đó, tại điểm a, khoản 1, Mục II Thông tư này quy định, trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.

Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau:

Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.

Nếu sự việc đúng như bà Đỗ Thị Hằng trình bày, ngày 1/7/2011, bà được bổ nhiệm công chức ngạch 01a.003, hưởng 100% lương bậc 1/10, hệ số 2,1, thang lương công chức loại A0, Bảng 2: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Thang lương công chức loại A0 có 10 bậc: Bậc 1 hệ số 2,1; bậc 2 hệ số 2,41; bậc 3 hệ số 2,72;…; bậc 9 hệ số 4,58, bậc 10 hệ số 4,89. Chênh lệch hệ số giữa 2 bậc liền kề ở thang lương công chức loại A0 là 0,31.

Sau khi tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành được tuyển dụng, ngày 1/9/2013, bà Hằng đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển loại công chức từ ngạch 01a.003, bổ nhiệm vào ngạch 01.003, xếp lương bậc 1/9, hệ số 2,34, thang lương công chức loại A1, Bảng 2 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Thang lương công chức loại A1 có 9 bậc: Bậc 1 hệ số 2,34; bậc 2 hệ số 2,67; bậc 3 hệ số 3,0;…; bậc 8 hệ số 4,65; bậc 9 hệ số 4,98. Chênh lệch hệ số giữa 2 bậc liền kề ở thang lương công chức loại A1 là 0,33.

Căn cứ hướng dẫn tại khoản 3 và điểm a khoản Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV thì:

- Thời gian hưởng lương ở ngạch mới (01.003) của bà Hằng được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới (ngày 1/9/2013) là đúng quy định.

- Về thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới: Do chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ (2,34 – 2,10 = 0,24) nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ (0,31), nên thời gian xét nâng lương lần sau ở ngạch mới của bà Hằng phải được tính kể từ ngày hưởng 100% lương bậc 1 ở ngạch cũ (ngày 1/7/2011) mới đúng quy định.

Theo Luật sư Trần Văn Toàn, VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội/Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.