Thách thức về việc làm khi Việt Nam gia nhập TPP và EVFTA

Ngày 29/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo "Việc làm, quan hệ lao động và hoạt động công đoàn khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA)".

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng các hiệp định này sẽ tác động toàn diện tới tất cả các ngành, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp, điều này tác động trực tiếp tới vấn đề việc làm của người lao động.

Hai hiệp định này có nhiều nội dung mang tính phi thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, tiêu chuẩn lao động, tự do hiệp hội-công đoàn…., đặt ra yêu cầu các nước tham gia phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế.

Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đây cũng là những hiệp định đòi hỏi các quốc gia khi tham gia phải có những điều chỉnh lớn về chính sách, pháp luật lao động-công đoàn.

Vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động, đặc biệt là thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do hiệp hội và công đoàn là vấn đề có nhiều thách thức đối với Việt Nam.

Dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề quyền tự do hiệp hội của người lao động, các đại biểu cho rằng việc để người lao động tự do tham gia và thành lập các hội đoàn sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý, thậm chí có thể phát sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm hội, hội do chỉ tập trung cho lợi ích của nhóm mà gây ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể.

Bà Lê Thanh Thúy, Trưởng phòng Văn phòng giới thiệu sử dụng lao động, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, gia nhập hai hiệp định này sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho Việt Nam như tạo thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia công tác bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra rất nhiều thách thức như có khả năng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng do một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ không đủ sức cạnh tranh sẽ phải giải thể.

Ngoài ra, khi gia nhập các hiệp định này sẽ có xu thế chuyển dịch lao động giữa các nước tham gia, điều này tạo thách thức lớn trong đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, trước thách thức đó, các ngành liên quan cần tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đủ năng lực cạnh tranh.

Nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần nâng cao năng lực các trung tâm giới thiệu việc làm, làm tốt vai trò cầu nối thông tin giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, thành lập trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động quốc gia, cung cấp thông tin về nhu cầu, định hướng của thị trường lao động sát với thực tế để người lao động và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời xu thế chung, từ đó doanh nghiệp xây dựng chiến lược hoạt động tốt hơn./.

Theo Vietnamplus
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/thach-thuc-ve-viec-lam-khi-viet-nam-gia-nhap-tpp-va-evfta/278748.vnp