Quy định về XKLĐ Nhật Bản

Tôi từng đi XKLĐ Hàn Quốc nhưng đã ra ngoài làm bất hợp pháp hơn 1 năm và sau đó tự nguyện mua vé về nước. Bây giờ tôi muốn đi XKLĐ Nhật Bản thì có được không? Và có gặp khó khăn gì khi làm thủ tục không?

Để được đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Nhật Bản, người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Đủ 18 tuổi đến dưới 39 tuổi

- Đã được kiểm tra và kết luận đủ sức khoẻ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10 ngày 16/12/2004 của Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính

- Không có tiền án, tiền sự

- Không thuộc diện bị cấm nhập cảnh Nhật Bản; Không thuộc diện bị cấm xuất cảnh Việt Nam

Nếu có nhu cầu đi XKLĐ tại các thị trường Nhật Bản, người lao động vẫn có thể tham khảo thông tin và làm thủ tục đi. Tuy nhiên người lao động phải đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng XKLĐ và không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Kể từ ngày 10/10/2013, tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Điều 35. Vi phạm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng liên quan khác- khoản 2.

2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú;

b) Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng;

c) Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc về nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này;

b) Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 02 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này;

c) Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 05 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 2 Điều này.

Các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày 01 tháng 7 năm 2013 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định về xử phạt tại Nghị định này nếu có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Đối với người lao động Việt Nam ở nước ngoài có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà tự nguyện về nước trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng quy định tại Điều 35 Nghị định này.

Theo thông tin bạn cung cấp, nếu khi đi XKLĐ bạn đã bỏ ra ngoài làm việc 1 năm thì bạn sẽ bị cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm. Tuy nhiên, do không có thông tin về thời gian bạn về nước nên bạn căn cứ theo quy định trên để đối chiếu.
Theo Báo Vietnamnet.vn