Phụ cấp cũng phải tính vào tiền lương

Do phụ cấp không tính vào tiền lương, nên đời sống của công nhân chưa bao giờ hết cảnh “lần hồi” càng trở nên khó khăn hơn khi hết tuổi lao động, hoặc phải tạm nghỉ việc.



Vấn đề này sẽ được Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng, lên tiếng tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8, khai mạc vào cuối tháng này.

Thưa ông, vì sao tình trạng doanh nghiệp lách đóng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động lại diễn ra phổ biến?

Vì Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành quy định, đối với người lao động đóng bảo hiểm theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động. Theo quy định, căn cứ trên quỹ tiền lương, hằng tháng, doanh nghiệp đóng 3% vào Quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào Quỹ hưu trí, tử tuất.

Như vậy, nếu doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động dựa trên số tiền thực trả, thì phải đóng nhiều hơn. Vì tổng số tiền mà doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm tương đương 18% tổng số tiền thực trả, chứ không phải 18% tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.

Thế tình trạng né đóng bảo hiểm có diễn ra phổ biến không?

Tình trạng này diễn ra thế nào, thì mọi người cứ xuống khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ thấy. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đâu đâu cũng nhìn thấy băng rôn tuyển dụng công nhân lao động lương 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Nhưng khi công nhân ký hợp đồng lao động, thì người ta chỉ ký hợp đồng theo mức lương tối thiểu vùng (vùng I là 2,7 triệu đồng/tháng; vùng II là 2,4 triệu đồng/tháng; vùng III là 2,1 triệu đồng/tháng; vùng IV là 1,9 triệu đồng/tháng), hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng 50.000 - 100.000 đồng/tháng). Ngoài lương theo hợp đồng, doanh nghiệp trả đủ mọi loại phụ cấp cho người lao động, như phụ cấp chuyên cần, phụ cấp tiền xăng xe, phụ cấp tiền nhà, phụ cấp trách nhiệm... để bảo đảm cho người lao động có thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Về bản chất, tất cả các khoản phụ cấp là lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động, nhưng lại không phải nộp bảo hiểm, nên doanh nghiệp thu được khoản lợi nhuận này và chỉ có công nhân là bị thiệt thòi.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Theo quy định, người lao động bị ốm đau được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc; nghỉ hưu được hưởng tối đa 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH từ khi đi làm đến khi nghỉ việc; nghỉ thai sản được hưởng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc.

Như vậy, nếu đóng bảo hiểm ít, thì khi ốm đau, nghỉ hưu, nghỉ thai sản, người lao động được nhận lại số tiền vô cùng ít ỏi so với khi đi làm.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông, phải tính lương đóng BHXH dựa trên toàn bộ thu nhập của người lao động từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất lương?

Đúng vậy. Đối với người lao động đóng bảo hiểm theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương đóng BHXH phải là lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Có nhiều ý kiến cho rằng, do hoạt động sản xuất, kinh doanh còn rất nhiều khó khăn, nên trước mắt, cứ quy định, tiền lương đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng và kể từ năm 2018 trở đi mới thực hiện theo phương án mà ông đề cập?

Chúng ta bảo vệ doanh nghiệp, nhưng cũng có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, nên cần phải thực hiện ngay việc tính tiền lương đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động kể từ ngày 1/7/2015 - ngày Luật BHXH sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 có hiệu lực.

Nhưng thưa ông, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn hết sức khó khăn. Nếu thực hiện ngay phương án mà ông đề xuất, thì doanh nghiệp lại thêm khó?

Lý do lùi thời hạn tính cả phụ cấp và các khoản khác mà doanh nghiệp trả cho người lao động vào tiền lương đóng BHXH đến năm 2018 do hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, theo tôi, là không thuyết phục.

Bởi hiện tại, hầu hết doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh đàng hoàng đều tính tất cả các khoản trả cho người lao động có tính chất lương vào tiền lương đóng BHXH. Những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ cho người lao động có gặp khó khăn không? Chắc chắn không ít trong số này vẫn gặp khó khăn. Vậy tại sao trong cùng môi trường kinh doanh, cùng hoàn cảnh, điều kiện như nhau mà doanh nghiệp này đóng góp đầy đủ quyền lợi cho người lao động, còn doanh nghiệp khác lại không?

Tôi cho rằng, nếu không quy định chặt chẽ vấn đề này, doanh nghiệp nào gian lận được BHXH cứ gian lận, sân chơi không bình đẳng vẫn tiếp diễn và đối tượng bị thiệt hại là người lao động.
Theo Báo Đầu Tư