Công ty không trả lương thôi việc

Hỏi: Tôi bị yêu cầu nghỉ việc với lý do không đáp ứng yêu cầu công việc, và có quyết định cho thôi việc. Trong quyết định ghi rõ sẽ thanh toán lương đầy đủ từ ngày lập quyết định đến hết 31/12/2014, nhưng đến bây giờ tôi chưa nhận được tiền.

Công ty nợ tôi 1,5 tháng tiền lương, tôi liên lạc, gửi mail giám đốc không trả lời, tôi vẫn giữ một bản hợp đồng, một quyết định thôi việc có chữ kí giám đốc và dấu công ty. Vậy tôi nên làm gì mong luật sư giúp tôi. Chân thành cảm ơn!

Đáp:

Trong trường hợp này, việc công ty giữ lương của bạn là trái với quy định của pháp luật. Để đảm bảo quyền lợi cho mình, bạn cần yêu cầu công ty thanh toán đầy đủ tiền lương đúng hạn cho mình, nếu công ty không thực hiện bạn có quyền làm đơn gửi ra phòng lao động thương binh xã hội nơi công ty có trụ sở để yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết.

Nếu vẫn không giải quyết được bạn có quyền nộp hồ sơ khởi kiện ra tòa án nhân dân quận huyện nơi công ty có trụ sở.

Lưu ý theo quy định tại Điều 202. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân – Bộ luật lao động 2012 thì:

1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Ngoài ra bạn cũng có thể làm đơn tố cáo hành vi của người sử dụng lao động công ty bạn gửi ra Thanh tra Sở Lao động thương binh và xã hội để yêu cầu xử lý.

Hành vi của công ty bạn tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều sau

Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương - Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

“…

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lươngkhông đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật lao động; trả lươngthấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.



5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;

b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.”

Ngoài ra, nếu bạn không đồng ý với quyết định cho thôi việc, bạn cũng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện việc này. Nếu thắng kiện, toà án sẽ buộc công ty nhận bạn trở lại làm việc và thanh toán tiền lương trong thời gian bạn bị cho thôi việc không có căn cứ.

Theo Báo Người lao động