Tài hoá giải của ông Riedl

<P>(Dân trí) - Ông Riedl là người có tài hoá hung thành kiết. Định đề này không sai bởi ông luôn biết cương nhu đúng lúc và “giải thoát” mình khỏi những tình huống cân kê. </P>

1. Dường như dư luận đã chán ngấy khi nhắc đến ông. Bằng chứng là ông đã phát biểu những câu rất… liều ngay sau khi trở lại Việt Nam nhưng cũng chẳng ai mặn mà “chỉnh” ông như thường lệ.

 

Ngán nhất là khi ông trả lời truyền hình cách đây vài hôm và bảo: ông không quá quan tâm đến việc chơi với chiến thuật nào, mà chỉ lo chuyện tìm những con người mới bởi theo ông, chiến thuật không làm nên chiến thắng mà là cầu thủ. Tôi đã hy vọng tôi nghe nhầm nhưng không phải, chương trình phát lại và tôi vẫn nghe câu nói đó.

 

Rồi hôm qua, khi giao lưu trực tuyến với độc giả báo Tiền Phong, ông đã hoá giải những câu hỏi rất “ác” của người hâm mộ bằng những câu trả lời rất Alfred Riedl.

 

Ngoài những “chân lý Riedl” như thành bại của ĐTVN chủ yếu là do bóng đá cấp CLB quá yếu, ít đội bóng, phong trào phát triển kém, do ngoại binh “chiếm đất” nội binh tại giải VĐQG, tại thiếu may mắn, tại v.v và tại v.v…, tôi có nghe hai câu rất đỗi ngỡ ngàng.

 

Một là, chẳng thể căn cứ vào 3 trận đấu (mà ông Chung cầm quân - NV) để đánh giá vội vàng, đặc biệt là trong 2 trận thắng đó có một trận thắng… trên sân nhà. Đúng vậy, trận đấu đó Olympic VN đã thắng Lebanon, trên đất nhà, trên đất nước mà trước đó gần 3 tháng ĐTQGVN đã thua tủi thua hổ trước người Thái.

 

Hai là, để nhìn nhận đúng sự tiến bộ của một đội bóng, cần một thời gian dài ít nhất 2 năm. Đúng vậy, tôi nhớ cái hợp đồng mà khoá IV BCH VFF ký với ông kéo dài 3 năm, và nay còn tròn 1 năm nữa.

 

Một tiếng đồng hồ giao lưu trực tuyến đó chắc là rất dài đối với ông, bởi nó trở thành một buổi chất vấn với những câu hỏi rất thẳng, rất trúng “chỗ ngứa” mà người hâm mộ ấp ủ lâu rồi mới được hỏi người cần hỏi.

 

Nhưng cuối cùng ông đã “hoá giải” thành công cả. Cũng giống như ông từng hoá giải tài tình “âm mưu” của những người muốn lật ghế của ông trong những ngày ông về chữa bệnh.

 

2. Lần trở lại VN này, ông Riedl có nhiều cái vướng. Cái vướng rất lớn là “4-5-1” hay “4-4-2” thì ông đã hoá giải rồi. Hoá giải bằng câu trả lời về chiến thuật và con người như trên.

 

Nhưng có một cái vướng khác khiến ông khó nghĩ, đằng sau hai chiến thuật đó. Ông không quan tâm nhiều đến sự khác biệt chiến thuật, nhưng không thể không quan tâm đến cách cư xử với cha đẻ của “4-5-1”, người đã thay ông lèo lái đội tuyển khi ông nằm trên bàn mổ và giờ vui vẻ nhường ghế cho ông.

 

Không phải bởi ông Chung tham quyền cố vị (điều mà nếu ông muốn thì cũng rất được đồng tình), mà bởi ông Riedl ngại chạm vào tâm lý chung của dư luận lúc này: ngại những giá trị thủ cố của ông sẽ bóp nghẹt bầu không khí mới mà ĐT Olympic vừa sống và thở trong những ngày vắng ông.

 

Ông băn khoăn giữa việc khẳng định quyền lực của người thuyền trưởng và mối quan hệ nhạy cảm với người mà ông coi là bạn, là đồng nghiệp và trợ lý. Cái khó của ông là vừa muốn làm mờ bớt những gì ông Chung làm được, lại vừa phải xử sao cho khéo với người bạn (mà xét dưới một góc độ nào đó cũng là ân nhân của ông).

 

Ông không muốn thừa nhận ông Chung đã mở ra một giải pháp mới, dù khẳng định ông sẽ tuỳ cơ ứng biến và có thể chơi với sơ đồ 4-5-1 - điều mà xưa nay ông chưa bao giờ thử.

 

Ông không thể và không muốn nhìn vào sự thật là ông Chung đã làm rất tốt những gì một ông HLV trưởng cần phải làm dù rất muốn cảm ơn ông Chung và tô đậm gạch chân vai trò của ông Chung với tư cách là người trợ lý. Bởi nếu thừa nhận vế đầu, hoá ra ông thừa nhận mình tồi và không còn phù hợp với BĐVN lúc này.

 

Ông hiểu rằng sự hoán đổi người cầm lái lúc này là việc chẳng đặng đừng dù nó khiến nhiều người rất ái ngại. Tình thế này quả khiến ông khó xử bởi uy tín (và cả tiếng nói) của ông và người trợ lý của ông đang biến chuyển theo chiều nghịch đảo.

 

Khó là khó thế, nhưng tôi tin với tài hoá giải của mình một lần nữa ông sẽ dàn xếp vẹn cả nhiều đường. Bởi trước nay, ĐTVN dưới sự dẫn dắt của ông có thể gặp kiết hoá hung, nhưng cá nhân ông luôn gặp hung hoá kiết.

 

3. Đó là tôi hồ đồ suy nghĩ theo lẽ thường. Tôi chưa kịp nghĩ tới “phản đề” là với ông Riedl bây giờ chẳng còn điều gì là khó xử và khó nghĩ nữa.

 

Nếu đúng thế, mong rằng năm còn lại của ông thật yên ả và nhẹ lòng…

Huấn Minh