Kỳ 3: Hai đầu tổng sắp - Hai đầu nỗi lo

(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam có những nỗi lo thuần lý trí nhưng cũng có những nỗi lo phi lý trí. Và nỗi lo mà người viết đề cập ở đây chính là một nỗi lo phi lý trí như vậy!

>> Kỳ 1: Nhìn mặt tướng
>> Kỳ 2: Samba và chuyện "tìm đâu ra"

1. Năm 1995, Thừa Thiên Huế khi ấy mới lên hạng nhưng đã chơi rất bốc. Dưới bàn tay chèo lái của cố HLV Ninh Văn Bảo, đội này đánh đâu thắng đấy rồi đi một mạch tới trận chung kết (GVĐQG cũ có trận chung kết để tranh ngôi thứ).

 

Làng bóng râm ran một tin đồn: Hếu có “vay” nhưng không có “trả”, hơn thế, là lính mới mà lại dám chơi ngông nên trước sau gì cũng chết. Không ngờ chỉ ngay mùa giải sau lời “tiên đoán” được chứng nghiệm: Huế gục đầu xuống hạng vì bị các đàn anh “đè nghiến”.

 

Đấy chính là một ví dụ điển hình cho việc một đội bóng phạm “luật”. Nói rõ ra, cái luật này có nội dung là: thằng nào “biết điều” thằng ấy sống!

 

Đã có người căn cứ vào lý luận này để giải thích cho việc SLNA không dám lên ngôi ở mùa giải 2002 sau 2 mùa lên ngôi liên tiếp trước đó. Người ta cũng vin ra lý luận này để giải thích về một trươờng hợp tương tự của HAGL năm 2005. Trớ trêu thay, nhà ĐKVĐ ĐT.LA bây giờ lại rơi đúng vào hoàn cảnh ấy.

 

Năm 2005, 2006 ĐT.LA đã liên tiếp vô địch, bây giờ mà vô địch tiếp thì e là “phạm luật”. Thế nên dư luận mới có nghi vấn rằng: Năm nay ĐT.LA sẽ chủ động “buông”. Tuy nhiên, nếu đã nghĩ thế thì cũng có thế nghĩ ra những phản đề: một là, ĐTLA lâu nay vốn điển hình cho cái sạch, họ sẽ không dễ gì làm thay đổi hình ảnh ấy.

 

Hai là, những tín hiệu phát đi từ bầu Thắng lẫn GĐ ĐH PHạm Phú Hoà đều xoay quanh 1 luận điểm: Chúng tôi thề quyết đá!

 

Vậy thì cần phải nghĩ thế nào đây? Tin vào “luật ngầm” hay tin vào những lời tuyên bố rất lên gân? Tham khảo ý kiến của một nhà báo vốn nằm gai nếm mật với ĐTLA thì câu trả lời nhận được là: “Mọi  khả năng đều có thể”.

 

Nỗi lo nằm chính ở chỗ này!

 

2. Nhìn ở đối cực còn lại (cuộc chiến trụ hạng) người ta sẽ phải tiếp tục đối diện với một nỗi lo thứ hai: đội nào sẽ bị “điểm danh”?

 

Kinh nghiệm cho thấy những lính mới tò te thường bị các đàn anh quây lại, dìm cho tới bến. Vĩnh Long, Long An (thời bóng đá bao cấp), Đồng Tháp, Tiền Giang (thời bóng đá chuyên nghiệp trá hình)…đều rơi vào cảnh ấy.

 

Vậy thì năm nay, trong số 3 tân binh là Đồng Tháp, Huda.Huế, Halida.Thanh Hoá , liệu có ai thoát đuợc cảnh ấy không?

 

Đồng Tháp rầm rộ với chuyện mời thầy Chanvit rồi lại rầm rộ với chuyện “mất thầy Chanvit”. Huế âm thầm chuẩn bị trong bối cảnh tiền ít, lực cũng chẳng nhiều. Thanh Hoá thì lên được hạng năm vừa rồi coi như “đã thắng”. Nếu căn cứ vào bối cảnh ấy để mà dự đoán thì xem ra cái phận của Huế và Thanh Hoá có một nét gì đó rất “chỉ mành treo chuông”!

 

3. Hai đầu tổng sắp - hai đầu nỗi lo, mà lại là những nỗi lo rất “phi luật”, “phi lý trý”, liệu có cảm tính quá không?

 

Bóng đá Việt Nam quả là đang có những dấu hiệu chuyển mình tích cực. Xu thế “doanh nghiệp hoá”, “tư nhân hoá” ngày một bành rộng, song nói như dân anh chị thì “lo cũng chẳng thừa”.

 

Lo thế nhưng cầu mong sự thật sẽ không như thế!

Phan Đăng