“Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau!”

(Dân trí) - Chiến đấu khó khăn nhưng ĐT Việt Nam đã giành chiến thắng thuyết phục với tỷ số 2-0 trước đối thủ Malaysia trong lượt đấu thứ ba vòng bảng AFF Cup 2018. Với chiến thắng này, bóng đá Việt Nam ngày càng khẳng định mình trong khu vực và nhận được những lời tán dương của báo chí, người hâm mộ không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

“Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau!” - 1

Tuy nhiên, niềm vui có lẽ sẽ trọn vẹn hơn nếu như không xảy ra sự việc CĐV Việt Nam đốt pháo sáng không dưới 4 lần ngay trong khi trận đấu diễn ra bất chấp an ninh được cho là đã thắt chặt tối đa.

Vấn đề nằm ở chỗ, tình trạng đốt pháo sáng đã được cảnh báo. VFF đã phải tổ chức cả một cuộc họp riêng để lên phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho các trận đấu trên SVĐ Mỹ Đình tại giải đấu này. Thậm chí, các cầu thủ Văn Lâm, Công Phượng, Duy Mạnh cũng xuất hiện trong một clip tuyên truyền, kêu gọi các CĐV “nói không với pháo sáng để tận hưởng AFF Cup trọn vẹn nhất cùng đội tuyển Việt Nam”.

Thế nhưng, thông điệp đó đã bị một bộ phận CĐV bỏ ngoài tai. Họ không những đốt pháo sáng rừng rực bên ngoài mà bằng cách nào đó còn mang được pháo sáng vào khán đài. Lỗi do sơ suất của bộ phận an ninh hay do nhóm CĐV kia vô ý thức? Chẳng cần phải suy luận thì cũng cho thấy một sự thật hiển hiện đó là sự bất lực của Ban tổ chức và sự bất chấp của các CĐV quá khích.

Người viết không tin là họ - những người đốt pháo không ý thức được hậu quả là bóng đá Việt Nam sẽ bị phạt tiền rất nặng, thậm chí treo sân, phải đá sân trung lập hoặc sân không có khán giả.

Bởi trên mặt báo vẫn còn chưa “ráo mực” thông tin VFF bị Ban liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) xử phạt 12.500 USD (tương đương gần 300 triệu đồng) do các CĐV Việt Nam có hành vi đốt pháo sáng trên khán đài trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Hàn Quốc ở trận bán kết ASIAD 18 vừa qua.

Trước đó, VFF cũng bị phạt tới 15.000 USD do một số CĐV Việt Nam đốt pháo sáng trên sân vận động Olympic (Campuchia) ở trận đấu giữa Campuchia – Việt Nam vào tháng 9/2017.

Tình trạng này lặp đi lặp lại khiến AFC phải đưa ra cảnh báo nếu CĐV Việt Nam tiếp tục đốt pháo sáng trong các trận đấu quốc tế của các ĐTQG Việt Nam, bóng đá Việt Nam sẽ phải đối diện với hình thức kỷ luật nặng hơn.

Với những người đủ tuổi thành niên, ý thức được hành vi của bản thân, có khả năng đọc – hiểu và nghe – hiểu, tôi không tin là họ không nắm được quy định mà ban tổ chức đưa ra, trừ khi họ cố tình chống đối.

Họ có biết rằng, về bản chất, pháo sáng chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp (cứu nạn trên biển) do khó bị dập tắt nhanh chóng và dễ dàng hay không? Họ có biết pháo sáng có chứa hóa chất và có thể nguy hiểm cho người bị hen suyễn hay không? Họ có biết pháo sáng có thể cháy lên đến nhiệt độ 1.600 độ C và làm nấu chảy cả thép hay không?

Nguy cơ hoả hoạn trong sân vận động do pháo sáng gây ra là hiện hữu, thậm chí trên thế giới đã ghi nhận nhiều vụ tử vong. Ngay tại Việt Nam đã có CĐV phải phẫu thuật ghép da nhiều lần vì bỏng nặng do pháo sáng mắc kẹt trong túi quần.

Ấy thế mà những quả pháo sáng vẫn rực cháy trong trận đấu tối 16/11. Đó không chỉ là hành động bất chấp luật pháp mà còn bất chấp cộng đồng, bất chấp mạng sống (của chính họ và của những người xung quanh). Những hành vi xốc nổi, nông cạn đáng bị lên án và bị tẩy chay!

Dù có bức xúc với vấn đề phát hành vé của BTC, hay viện dẫn tình yêu bóng đá cuồng nhiệt thì vẫn thiếu gì cách để biểu thị thái độ thay vì tự biến mình thành những kẻ thiếu văn hoá, làm hoen ố hình ảnh bóng đá nước nhà bằng những hành vi “bán mạng”?

Yêu nhau như thế chẳng phải bằng mười hại nhau??

Bích Diệp