Xả rác thì bị phạt, xả chữ làm bẩn môi trường tiếng Việt thì sao?

(Dân trí) - Việc cưỡng ghép “khoản tiền phải trả” vào với “giá trị bằng tiền” này vào với nhau giống như chuyện có người hỏi: “Anh bị thương ở đâu?” và nhận được câu trả lời: “Một lần ở Đèo Khế, một lần ở… mông”.

Xả rác thì bị phạt, xả chữ làm bẩn môi trường tiếng Việt thì sao? - 1

BOT lại tiếp tục nóng bỏng không chỉ bới hàng loạt các chuyện vô lý, phi lý như đặt khoảng cách giữa các trạm không đúng cự li (70km), dự án “vỗ vai” hay chưa nghiệm thu đã thu phí… mà nóng bởi một vấn đề mang tính “học thuật”.

Đó là việc Bộ Giao thông Vận tải thay cụm từ “thu phí” thành “thu giá” tại các trạm BOT. Ngay lập tức, nó làm nóng bỏng dư luận bởi các cuộc tranh luận với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ những người lao động bình thường đến quan chức, ĐB Quốc hội. Các nhà ngôn ngữ học và các nhà văn, nhà thơ cũng rất hăng hái bày tỏ quan điểm.

Trả lời PV báo Dân trí, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng đây là việc nên làm vì “Trước đây, mỗi lần điều chỉnh mức thu BOT gặp rất nhiều khó khăn vì phải thông qua HĐND địa phương, mà HĐND thì không thể quyết định linh động được. Còn khi chuyển sang giá thì bản chất của nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy. Ngược lại nhà nước sẽ điều chỉnh nhanh chóng để đáp ứng được điều kiện của từng trạm thu giá ở từng vị trí, từng khu vực. Có những vị trí vì điều kiện cho phép nên được điều chỉnh giảm rất sâu”.

Song, TS Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lại cho rằng đây là kiểu “đánh tráo khái niệm”.

"Thu giá" thật ra là một "sáng tạo" để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và Lệ phí. Theo quy định của luật này, một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp chi phí.

Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp khi khoản phí được đưa vào danh mục phí được ban hành kèm theo luật. Rất tiếc, phí BOT không có trong danh mục này. Đáng ra, Bộ GTVT nên trình QH bổ sung phí BOT vào danh mục nói trên thì lại tìm cách đánh tráo khái niệm”. Ông Dũng bày tỏ.

Còn Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì cho rằng "thu giá" là từ tối nghĩa, thậm chí vô nghĩa, cần thay tên gọi khác

"Thu phí là thu lại những giá trị đã đầu tư theo bài toán kinh tế hợp lý nhất. Anh chỉ bỏ một lượng tiền đầu tư nâng cấp, làm tăng giá trị tăng trưởng thì được thu một phần trong đó, chỉ nên coi là thu phí chứ không phải thu giá" - ĐB Dương Trung Quốc cũng lên tiếng.

Trên đây chỉ là vài ba trong hàng ngàn, thậm chí có thể là hàng vạn ý kiến được đăng tải trên những cơ quan thông tấn cũng như các trang mạng xã hội.

Về cá nhân, người viết bài này có cảm giác một vụ “cưỡng hôn ngôn từ” kệch cỡm. Bởi theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học – 2001) thì "phí" trong "thu phí" là "khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó". Còn "giá" trong "thu giá" là "biểu hiện giá trị bằng tiền".

Việc cưỡng ghép “khoản tiền phải trả” vào với “giá trị bằng tiền” này vào với nhau giống như chuyện có người hỏi: “Anh bị thương ở đâu?” và nhận được câu trả lời: “Một lần ở Đèo Khế, một lần ở… mông”.

Thứ hai, hiện nay “thu giá” chưa xuất hiện trong bất cứ cuốn từ điển nào. Đành rằng ngôn ngữ là sinh ngữ, song đối với một văn bản mang tính pháp luật thì nó phải được hiểu chính xác bởi tính pháp lý của nó. Giả sử nếu xảy ra một vụ kiện tụng nào đó thì “thu giá” sẽ được giải thích như thế nào?

Thứ ba, như lời ĐB Lê Thanh Vân: "Dư luận phản ứng là đúng, họ phản ứng để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt".

Cũng chính vì tinh thần bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, trên Fb của mình, Nhà báo Lương Phán, Phó TBT báo Dân trí đề nghị: “Lẽ ra công an phải xử phạt cái loại tội làm tối tăm tiếng Việt. Xả rác ra đường thì bị phạt. Vậy xả chữ tối tăm vào làm bẩn môi trường Tiếng Việt thì lại cứ ngông nghênh là sao vậy?”.

Có lẽ, việc nên làm ngay lúc này là… phạt Bộ GTVT vì tội làm ô nhiễm môi trường ngôn ngữ, các bạn thấy thế nào?

Bùi Hoàng Tám