Vụ 400 triệu đồng của mẹ Liệt sĩ, “vay”, “trả” thế là… xong?!

(Dân trí) - Không làm rõ chuyện vay hay hối lộ thì sẽ rất nguy hiểm bởi tạo thành tiền lệ, những ai có chức, có quyền, có điều kiện cứ “vay”. Nếu bị tố cáo, gọi đến bảo: Này, viết giấy vay đi thì tôi trả. Còn tố cáo, tôi bị kết tội nhận hối lộ thì các người cũng phạm tội đưa hối lộ nhé. Tù cả lũ, dám không?

m_dua-hoi-lo.jpg

 

Theo báo Dân trí, anh Nguyễn Xuân An (cháu bà Lê Thị Tích) đã ra Hà Nội để nhận lại tiền. Giấy biên nhận trả tiền được lập tại nhà ông Hoàng Đức Cần cho biết, năm 2016 ông Cần vay của ông Nguyễn Xuân An số tiền 15.000 USD và 80 triệu đồng; tương ứng tổng cộng là 400 triệu đồng.

“Nay tôi xin hoàn trả lại đủ số tiền vay của ông An là 400 triệu đồng… Kể từ nay giữa ông Hoàng Đức Cần và ông Nguyễn Xuân An không còn bất kỳ ý kiến gì về vụ việc vay tiền kể trên”- Biên bản nhận trả tiền nêu.

Xong? Bởi theo biên bản, số tiền 400 triệu đồng là ông Cần “vay” và ở đời, vay thì trả. Thế nên xong, chả có chuyện gì ầm ĩ lên cả.

Tuy nhiên trước đó, theo phản ánh từ báo chí, do có tranh chấp đất đai, bà Tích đội đơn khiếu kiện khắp nơi và khi ra Hà Nội thì được “giới thiệu” với một cán bộ thanh tra tên là Hoàng Đức Cần để được giúp đỡ.

Đầu năm 2016, ông Cần yêu cầu bà Tích nộp 15.000 USD. Cháu ngoại bà Tích đã tới phòng làm việc của ông Cần ở trụ sở Thanh tra Chính phủ để nộp tiền và có quay phim, ghi âm lại.

Đến tháng 2/2016, ông Cần đưa số tài khoản ngân hàng và yêu cầu gia đình bà Tích nộp 50 triệu đồng; tháng 7/2016 yêu cầu nộp tiếp 30 triệu đồng (có hóa đơn).

Việc vay vỏ là chuyện bình thường ở đời và việc có vay có trả cũng là tất yếu.

Tuy nhiên, đọc những thông tin trên, người viết bài này cứ băn khoăn bởi một người trong Nam, một người ngoài Bắc, vốn không họ hàng máu mủ và như phản ánh thì cũng chả quen biết gì nhau, một người là dân, một người là quan bỗng dưng một hôm người dân “hứng chí”, cho ông quan "vay" 400 triệu đồng suốt 2 năm trời, đòi mãi không trả?

Sao lại có những người tốt với nhau đến thế nhỉ?

Với người viết bài này, thành thật là với ai đó không quen biết mà vay chỉ 4 triệu đồng thôi chẳng hạn, nói thẳng, dù có cũng... từ chối. Nhưng không nên “suy bụng ta, ra bụng người” vì có thể mình keo kẹt thì sao? Với lại, cũng chả dám đi "vay" của dân, nhất là của một cụ già (SN 1928) vì nó… xấu hổ lắm.

Nói thế thôi chứ có khi đây chỉ là “giải pháp tình thế” theo kiểu “đường cong mềm mại” bởi nếu như không "chuyển hóa hình thức" sẽ là tội hối lộ và nhận hối lộ.

Theo Điều 354 BLHS năm 2015 thì nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên còn nếu trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, 400 triệu đồng thì sẽ như thế nào nhỉ?

Nếu đúng là chuyển hóa kiểu “đường cong mềm mại” thì chuyện "vay", "trả" này rất cao mưu, vẹn cả đôi đường bởi nếu không, sẽ phạm tội đưa và nhận hối lộ.

Do đó, không làm rõ chuyện vay hay hối lộ thì sẽ rất nguy hiểm bởi tạo thành tiền lệ, những ai có chức, có quyền, có điều kiện cứ “vay”. Nếu bị tố cáo, gọi đến bảo: Này, viết giấy vay đi thì tôi trả. Còn tố cáo, tôi bị kết tội nhận hối lộ thì các người cũng phạm tội đưa hối lộ nhé. Tù cả lũ, dám không?

Rất may là thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, không chỉ “quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Hoàng Đức Cần kể từ ngày 19/3/2019” mà còn “thông tin vụ việc đến cơ quan có chức năng để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”.

Theo báo Dân trí ngày 20/3, một cán bộ có trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ khẳng định, cơ quan này vẫn đang làm rõ vụ việc ông Hoàng Đức Cần “cầm” 400 triệu đồng của bà Lê Thị Tích (Bà Rịa-Vũng Tàu). Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển cơ quan công an để điều tra, làm rõ.

Xin đừng để dư luận hiểu rằng đây thực chất là một vụ nhận hối lộ còn cái biên bản kia chỉ là hình thức “hợp thức hóa chứng từ” vốn ở ta không hiếm…

 

Bùi Hoàng Tám