Trang phục khoe thân và những lỗ hổng văn hóa

(Dân trí) - Chuyện nghệ sĩ ăn mặc hở hang, khoe thân quá đà trên khấu, trong các sự kiện một dạo đã gây bức xúc cho dư luận và buộc ngành chức năng phải đưa các hình thức xử phạt nghiêm khắc. Có lẽ, nhờ thế mà hiện tượng này đã giảm bớt nhưng lâu lâu vẫn có người “quên” và phải ngồi chờ án phạt.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ở Hà Nội, tuần trước, việc một siêu thị điện máy để các nhân viên nữ mặc bikini đón khách, tiếp thị sản phẩm, ra tận sân gửi xe để mời chào cũng đã bị dư luận lên án và nhà chức trách xử phạt.

Tưởng nó chỉ dừng lại như một sự cố hi hữu thì gần như ngay lập tức sau đó, một quán ăn cũng ở khu vực gần đó đã để đội ngũ nhân viên nữ tiếp tục dùng bikini làm trang phục khi bưng bê đồ ăn, rót bia, phục vụ thực khách đến nhà hàng. Và rồi đại diện của nhà hàng đã giải thích đó là một chương trình đặc biệt họ tổ chức để tri ân khách hàng.

Ui trời, hóa ra hình ảnh thân thể phụ nữ là một thứ để “khuyến mại”, “thêm” vào cho khách hàng. Kiểu mua 2 gói bột ngọt sẽ được tặng thêm một chiếc môi múc canh, hay mua một bình ga được tặng thêm tệp giấy lót bếp!

Và khách hàng của họ là ai mà lại chỉ cần nhử cái mồi được “nhìn phụ nữ mặc đồ lót” là sẽ kéo đến nhỉ?

Hạ thấp phụ nữ, hạ thấp khách hàng như vậy mà lại là ý tưởng của những ông chủ văn minh sao? Dùng chiêu thức rẻ tiền nhất thời để gây sốc, gây ồn ào, chấp nhận bị lên án, bị xử phạt, coi đó như một cái giá trả cho việc nổi tiếng, lôi kéo được khách hàng… là ý tưởng kinh doanh có văn hóa sao?

Có một độc giả đã lên tiếng cho rằng: Cách thức kinh doanh là quyền lựa chọn của doanh nghiệp, cách thức kiếm tiền của những cô gái mặc bikini trong siêu thị, quán ăn là quyền của họ, đúng sai họ tự chịu, xã hội không có quyền phán xét. Bạn không thích bạn có quyền không mua, nhưng bạn không có quyền chê một sản phẩm mà bạn không bỏ tiền ra mua.

Vâng, độc giả này đã nói đúng về quyền tự do cá nhân, nhưng đã quên một điều quan trọng, đó là trong cuộc sống, quyền tự do của người này sẽ phải dừng lại nơi quyền tự do của người khác bắt đầu. Khi ai đó đưa ra thị trường một “sản phẩm” lố bịch, thiếu tôn trọng khách hàng, hạ thấp thị hiếu, thách thức thuần phong mỹ tục thì xã hội có quyền lên án.

Mặc bikini không phải là một việc xấu, việc khoe cái gì trên cơ thể mình và làm sao để kiếm được tiền cũng thuộc quyền cá nhân của mỗi người, nhưng thị hiếu tầm thường, những ý tưởng nông nổi thiếu tôn trọng người khác, cách kiếm tiền bằng mọi giá bất chấp thuần phong mỹ tục là việc làm khó chấp nhận.

Vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ là một giá trị và những bộ bikini phô diễn vẻ đẹp ấy xứng đáng được tôn trọng. Chỉ ý tưởng coi vẻ đẹp ấy như một công cụ thương mại và đem phô bày chúng ở những nơi không phù hợp, coi chúng như một công cụ PR, một thứ hàng khuyến mại trong kinh doanh kiếm lời mới là việc đáng lên án.

Thân thể phụ nữ khi được đưa ra cho mục đích thương mại, làm bộc lộ một lỗ hổng văn hóa lớn.

Cát Thụy