Tâm điểm
Nguyễn Bích Lâm

Thấy gì từ tình hình kinh tế vĩ mô 9 tháng qua?

9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 8,83%, lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 2,73%. Chúng ta đã đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, đây là một thành công, được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao.

Trong bức tranh tăng trưởng chung 8,83%, khu vực nông nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm của nền kinh tế với giá ổn định; công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; đặc biệt dịch vụ tăng 10,57%, là khu vực quan trọng quyết định mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Việc Chính phủ điều hành linh hoạt, kịp thời giá các mặt hàng chiến lược là nền tảng giúp kiểm soát lạm phát 9 tháng ở mức thấp, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng, lương thực và giá thực phẩm tăng cao. 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, là số vốn thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Chúng ta có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 276 tỷ USD. Cán cân thương mại xuất siêu 6,52 tỷ USD. 

Có thể nói nền kinh tế trong 9 tháng qua có nhiều điểm sáng, tuy nhiên chúng ta cần nhận diện các khó khăn, thách thức đang và sẽ phải đối mặt. Đó là hệ lụy của dịch Covid-19; khủng hoảng Nga-Ukraine; Fed và ngân hàng trung ương các nước liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị đồng tiền Việt Nam.

Động thái tăng lãi suất nêu trên cũng sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại quốc tế của nước ta, với 70% kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa được thực hiện bằng đồng USD, các thị trường xuất khẩu lớn có xu hướng bị thu hẹp. Hiện trên một số lĩnh vực, đơn hàng xuất khẩu đã giảm so với trước. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta phụ thuộc khá lớn vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Đồng USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất, gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy (giá đầu vào tăng gây áp lực lên giá thành) do nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế. 

Mặc dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Trong 9 tháng qua, bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.  

Kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng như nêu trên, tuy vậy kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 73,22 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh vị thế thương mại quốc tế của nước ta do khu vực FDI tạo nên. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo. 

Giá xăng dầu trong nước 9 tháng qua tăng 41,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng cho ngành vận tải, du lịch và khai thác thủy sản.

Dự báo giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu và nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế. Thị trường dầu thô sẽ trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ. Điều này đang gây nên cơn bão giá toàn cầu, tạo áp lực rất lớn về kiểm soát lạm phát đối với kinh tế nước ta, gây nhiều khó khăn cho các ngành và lĩnh vực; làm suy giảm tổng cầu, gây bất ổn vĩ mô, giảm tiến độ và hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.  

Trong bối cảnh nêu trên, chúng ta cần chú ý đến những giải pháp nào?

Thứ nhất, vốn đầu tư công có tầm quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực của nền kinh tế, có tác động lan tỏa thu hút vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI. Đầu tư công đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%. Đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả phục hồi tăng trưởng kinh tế, bù đắp cho suy giảm xuất khẩu. 

Thứ hai, khẳng định và thực thi quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cần được đẩy mạnh, đặc biệt là khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phân bổ tín dụng được bổ sung vào những lĩnh vực phù hợp, qua đó giúp doanh nghiệp có đủ vốn cho sản xuất và lưu thông hàng hóa của nền kinh tế.  

Chúng ta nên có giải pháp đột phá về tín dụng cho doanh nghiệp. Bởi, vốn, tài chính là tiền đề, đóng vai trò quyết định cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Việc bảo đảm nguồn vốn, tài chính cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm và các năm sau rất quan trọng. 

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ để thực hiện hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ. Chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường tiền tệ, lãi suất và tỷ giá trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế phát triển nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Đảm bảo tính thanh khoản, hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất và hỗ trợ xuất nhập khẩu của nền kinh tế. 

Ngoài các vấn đề nêu trên, hiện nay xu hướng phân mảnh của kinh tế thế giới (thành các khối địa chính trị, với các tiêu chuẩn kinh doanh và công nghệ, hệ thống thanh toán và tiền tệ dự trữ khác nhau) đang được chính phủ và các tập đoàn đa quốc gia thảo luận, từ đó định hình chiến lược phát triển cho riêng mình. Xu hướng này sẽ gây tổn hại cho các quốc gia đang hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu, có thể gây khó khăn và thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong những năm tới, đây là vấn đề chúng ta cần lưu ý để tính toán chiến lược phù hợp.

Tác giả: TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!