Sao mãi vẫn là chuyện xe công đi việc riêng?

(Dân trí) - Cuối tuần trước, báo chí và mạng xã hội nóng bỏng với câu chuyện chiếc xe "biển xanh" 80 B của một bộ được Văn phòng Bộ đó điều đi, sử dụng cho một việc cá nhân lãnh đạo Bộ. Đây như phần nối dài tệ hại của câu chuyện cũ: xe công đi việc riêng.

Sao mãi vẫn là chuyện xe công đi việc riêng? - 1

Gần như năm nào cũng vậy, nhất là ở thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới, tình trạng lạm dụng xe công vào việc tư ở nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước lại được nhắc đến. Và lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính- cơ quan được giao quản lý công sản lại có những chỉ đạo, công văn yêu cầu chấn chỉnh, nhắc nhở không được dùng xe công đi lễ chùa, đi chơi - những việc vi phạm rất hiển nhiên. Và sau đó, tình trạng này vẫn cứ tái diễn.

Không phải là Nhà nước không có những thay đổi trong chính sách quản lý xe công. Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã gương mẫu thực hiện chính sách khoán xe công cho các chức danh: Thứ trưởng, Tổng cục trưởng của Bộ này. Sau đó, chính sách khoán này cũng đã được áp dụng ở một số bộ, ngành, địa phương khác. Nhưng cho đến đầu tháng 10/2018, Bộ Tài chính mới hoàn thành dự thảo Nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công theo đó, chỉ bắt buộc áp dụng khoán xe công ở cấp sở, cấp cục.

Như vậy, gần như chưa có nhiều thay đổi nào đáng kể trong chính sách quản lý xe công. Nếu như Bộ Tài chính đã nhận định rằng, việc khoán xe với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng như Bộ này đã và vẫn đang áp dụng là hiệu quả thì nên mở rộng ở tất cả các bộ và ở địa phương, khoán với tất cả các chức danh đang có chế độ được sử dụng riêng xe công (trừ Bí thư và Chủ tịch UBND cấp tỉnh). Còn nếu như mới chỉ dừng lại ở cấp sở, cấp cục như dự thảo, thì đó mới là một cải cách nhỏ trong tổng thể chính sách quản lý xe công.

Và đáng nói hơn, theo như dự thảo chính sách quản lý xe công mới của Bộ Tài chính mới được Thời báo Tài chính Việt Nam-tờ báo của bộ này đăng tải, người ta vẫn chưa thấy một dự thảo quy định nào mới, nghiêm khắc hơn về chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc sử dụng xe công. Trong khi, đây là điều rất quan trọng để có thể chấn chỉnh, hạn chế đáng kể tình trạng bừa bãi, lãng phí trong việc sử dụng xe công.

Năm 2017, Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cũng đã xác định có hàng loạt bộ, ngành, địa phương có sai phạm trong quản lý, sử dụng xe công. Có một số bộ, ngành, địa phương có lượng xe công dư thừa lớn, sử dụng không đúng mục đích nhưng vẫn đề xuất mua nhiều xe mới...

Thế nhưng sau những vụ việc ấy, hầu như không một cá nhân, tập thể nào có sai phạm trong việc sử dụng xe công bị kỷ luật. Và đó có lẽ là lý do chính dẫn đến tình trạng nhờn pháp luật về quản lý công sản.

Hiện, theo thống kê của Bộ Tài chính, cả nước có hơn 39.400 xe công với tổng giá trị hiện tại trên 25.500 tỷ đồng. Nhưng trung bình nhiều chiếc xe công được sử dụng theo chế độ phục vụ riêng phải tốn chi phí xăng xe, bảo dưỡng, lương cho lái xe… trên 300 triệu đồng/chiếc/năm. Như vậy, số tiền ngân sách nhà nước phải chi trả cho khoản này cũng rất lớn.

Chính sách khoán xe, tuy có hiệu quả tiết kiệm khá lớn như tại TPHCM, theo báo cáo của Chính phủ, tiết kiệm được 1,2 tỷ đồng/năm chỉ riêng 5 đơn vị thực hiện thí điểm. Tại Hà Nội, tổng chi phí tiết kiệm được là 1,7 tỷ đồng trong khoảng 6 tháng tại 8 đơn vị thí điểm khoán xe. Những chiếc xe phục vụ công tác chung, sau khi khoán kinh phí thì đã tiết kiệm được trung bình 6,7 triệu đồng chi phí/tháng.

Do đó, có thể thấy, nếu Chính phủ, Bộ Tài chính quyết liệt hơn trong các chính sách khoán xe công, áp dụng đồng loạt và ở cả cấp quản lý cao hơn, song song với việc quy định, áp dụng các chế tài mạnh (ví dụ cắt hoàn toàn chế độ xe công với người vi phạm hay áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc: Cách chức, cảnh cáo...) thì có thể hy vọng, tình trạng "nhờn thuốc", bừa bãi, lãng phí trong quản lý, sử dụng xe công hiện nay mới có chuyển biến.

Mạnh Quân