Sai một ly, đi... ngàn tỷ!

(Dân trí) - Trong một động thái khác thường, tuần trước, Bộ Tài chính đã ban hành một kết luận thanh tra về dự án quốc lộ 1 mở rộng, trong đó nêu ra nhiều sai phạm không nhỏ ở dự án có qui mô rất lớn (tổng vốn đầu tư lên tới trên 27.800 tỉ đồng).


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Như tin trên Dân trí đã đưa, theo kết luận thanh tra này, việc lập, phê duyệt tổng mức đầu tư ở 8 dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 1 chưa chính xác với số tiền lên đến 1.867 tỉ đồng. Việc lập, trình, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư tại 8 địa phương có dự án đi qua cao hơn chế độ qui định 1.321 tỉ đồng.

Việc lập sai dự toán, trình, duyệt sai dự toán đầu tư luôn được coi là một sai phạm lớn trong thực hiện Luật Ngân sách nhà nước mà nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu và yêu cầu chấn chỉnh trong nhiều kỳ họp Quốc hội trước đây. Bởi chính từ đây, sẽ dẫn đến những sự tuỳ tiện trong chi tiêu đầu tư công, gây lãng phí, thất thoát tiền ngân sách nhà nước.

Đặc biệt ở những công trình có qui mô vốn đầu tư lớn như quốc lộ 1, quốc lộ 1 A... khi các dự toán, kế hoạch chi tiêu được vẽ ra vượt quá nhu cầu thực tế, không đúng định mức, qui định, thì trong quá trình triển khai dự án trên thực tế, sẽ có nguy cơ dẫn đến việc kê khống, nâng khống tiền đầu tư, chi tiêu cho các hạng mục.

Thực tế trên đã thấy ở hàng loạt công trình, dự án xây dựng cơ bản mà Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đều có đánh giá hàng năm. Ở ngay dự án mở rộng quốc lộ 1 và Thanh tra Bộ Tài chính vào thanh tra nói trên, người ta đã thấy có sự nối tiếp ngay các sai phạm sau khi tổng mức đầu tư được lập ban đầu chưa chính xác: Chủ đầu tư đã không thực hiện điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư ngay cả khi dự án đã giảm qui mô, mục tiêu với số tiền tính ra lên tới 545 tỷ đồng.

Thậm chí, ở các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư còn lập, trình, thẩm định, phê duyệt một số hạng mục ngoài danh mục đầu tư mà Thủ tướng Chính phủ trước đây đã chỉ đạo và các nghị định, thông tư về việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã qui định. Riêng ở việc này, số tiền được Thanh tra Bộ Tài chính, nói là "sai sót" (một cách nói dường như để giảm nhẹ tính chất sai phạm) là 182,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một khoản chi phí dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư được phê duyệt mà Thanh tra tài chính nhận định là "chưa đủ cơ sở" lên tới 5.169 tỷ đồng. Đây là một khoản chi phí rất lớn nhưng được phê duyệt tùy tiện như vậy, làm sao tránh khỏi trong thực tế, ở cấp tiểu dự án, các ban quản lý dự án cũng tuỳ tiện trong sử dụng nguồn lực tài chính công ?

Mặc dù việc Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc, thanh tra, làm rõ những sai phạm ở những dự án có qui mô lớn và phát hiện được những điểm làm trái qui định, ngăn chặn nguy cơ thất thoát tiền ngân sách nhà nước nhưng ở đây cũng cần xem lại về vấn đề trách nhiệm. Có thể thấy, trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong các việc lập dự toán, thực hiện đầu tư là đã rõ. Nhưng với những công trình nhóm A như dự án mở rộng quốc lộ 1, cũng có trách nhiệm không nhỏ cả từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhất định Bộ Tài chính trong việc xem xét, thẩm định về đầu tư, về tài chính cho dự án này. Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra mới chỉ đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân ở Bộ Giao thông vận tải là chưa đầy đủ, dường như tránh né trách nhiệm của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.

Do đó, qua cuộc thanh tra trên, có thể nói, không chỉ với dự án mở rộng quốc lộ 1 mà với nhiều công trình, dự án có vốn đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước, ngay từ khâu lập dự án, dự toán vốn đầu tư cho đến các khâu thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, các bộ, ngành của Chính phủ phải làm hết trách nhiệm để nhu cầu vốn sát với thực tế.

Và ngay trong quá trình triển khai, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phải vào ngay để sớm phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm chứ không chờ công trình, dự án hoàn thành, nhiều việc làm tiêu cực, sai phạm đã xảy ra mới phát hiện, chấn chỉnh-điều mà các cơ quan kiểm toán, thanh tra ở nhiều nước đã thực hiện mà ở Việt Nam chưa làm được nhiều.

Mạnh Quân