Rất cần cán bộ giỏi chuyên môn và tận tụy với dân lúc này!

(Dân trí) - Câu chuyện cải cách hành chính được bàn hàng chục năm nay, được cải cách nhiều lần với quyết tâm rất cao, nhưng hiệu quả còn thấp.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Nguyên nhân từ đâu, một câu hỏi đặt ra nhưng câu trả lời thường loanh quanh, né tránh nên không nêu trúng vấn đề, gọi trúng tên. Giống như bác sĩ xem bệnh, không tìm ra  căn nguyên thì không thể chữa lành bệnh.

 

Tại cuộc họp bàn về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng diễn ra ngày 2.1, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh phát biểu: "Có phí, việc giải quyết thủ tục hành chính thật sự nhanh hơn. Thế nhưng, việc đó lại trái với quy định vì trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải giải quyết thủ tục hành chính giúp dân".

 

Cái lý đương nhiên là cơ quan nhà nước phải giải quyết việc của dân, đó là trách nhiệm bắt buộc, không phải là "giúp" như ông Nguyễn Tiến Dĩnh nói. Không chỉ là phục vụ dân mà phải phục vụ thật tốt, nhanh chóng, hiệu quả. Và dứt khoát không có chuyện bắt dân đóng phí.

 

Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, trong não trạng của nhiều cán bộ, công chức, xem dân đến cửa công là xin xỏ, còn họ là kẻ ban ơn. Một khi suy nghĩ đó còn tồn tại trong đội ngũ cán bộ  nhà nước, thì cải cách khó mà thành công.

 

Cá nhân lạm quyền khi thực thi công vụ, các tổ chức, cơ quan cũng lạm quyền theo cách vơ hết việc cho mình để tăng quyền kiểm soát. Tại cuộc họp trên, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói thẳng là hiện nay trên "mũ" của doanh nghiệp có quá nhiều luật. Nó rõ hơn, bộ nào cũng ban hành chính sách, tăng quyền cho ngành của mình, nên doanh nghiệp gánh trên vai quá nhiều quy định, chồng chéo, bất hợp lý.

 

Về vấn đề này, bà Ung Thị Xuân Hương - giám đốc Sở Tư pháp TPHCM chỉ ra việc văn bản quy định nhiều, thay đổi thường xuyên và chồng chéo, cho nên, có nhiều dự án công trình xin ý kiến cấp bộ bị ngâm đến 5 tháng. Nhưng ví dụ của bà Xuân Hương còn chưa điển hình, trên thực tế còn có nhiều dự án bị ngâm đến vài năm, đi xin hàng chục con dấu. Đến khi xin đủ con dấu thì không thể  thực hiện vì cơ hội kinh doanh đã qua đi.

 

Vậy thì, trở lại câu hỏi nguyên nhân đặt ra trên, và trả lời ngay là vì con người. Đừng đổ cho cơ chế hay chính sách. Bời vì, những thứ đó cũng do con người “đẻ” ra.

 

Con người tạo ra cơ chế và chính sách chưa phù hợp. Con người làm việc trong hệ thống, trực tiếp xử lý các mối quan hệ nhà nước - công dân nhưng thiếu chuyên nghiệp và kém đạo đức. Sửa được con người mới sửa được nền hành chính.

 

Tổng kết cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo một ý quan trọng, đó là lựa chọn cán bộ giỏi chuyên môn, tận tụy với dân. Biết là vậy, nhưng thật không dễ để tìm ra cán bộ đạt hai tiêu chuẩn như vậy trong thời buổi này. 

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!