Nén bạc đâm toạc bản án

(Dân trí) - Người nhận tiền tất nhiên không muốn cho ai biết. Cho nên, hành vi đưa hối lộ để chạy án rất khó bị phát hiện. Đó là một thế giới quỷ quái, tối tăm, độc ác và nhiều khổ đau.

 
Nén bạc đâm toạc bản án
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Sáng 24.4, ông Bùi Anh Đức, thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Yên Thành (Nghệ An) đã bị bắt quả tang nhận tiền hối lộ từ người nhà đương sự. Theo điều tra ban đầu, vị thẩm phán này  yêu cầu phía  gia đình đương sự phải chi 60 triệu đồng để xét xử cho bị cáo (bị cáo buộc phạm tội tham ô) hưởng từ mức án 8 năm tù xuống còn 4 năm. Một vụ ăn tiền chạy án bị bắt tận tay, hết đường chối cải.

Dư luận đã nói đến tình trạng chạy án từ lâu, nhưng hiếm khi bắt được quả tang như vậy. Thông thường, người đưa tiền muốn cho xong việc, nói ra chẳng được gì, có khi mang họa. Người nhận tiền tất nhiên không muốn cho ai biết. Cho nên, hành vi đưa hối lộ để chạy án rất khó bị phát hiện. Đó là một thế giới quỷ quái, tối tăm, độc ác và nhiều khổ đau.

Có những vụ, người chạy án chỉ mất tiền nhưng không gây hệ lụy cho ai. Nhưng có những vụ chạy án, người này  được thì người khác mất. Đổi trắng thay đen. Bất công, oan sai do nén bạc đâm toạc bản án.

Dù bất cứ trường hợp chạy án nào, những quan tòa tha hóa hoặc những người có quyền lực và quyền lợi liên quan sẽ là được, còn nhân dân sẽ mất. Đó là mất niềm tin vào công lý. Một sự mất mát rất lớn.

Chính vì có những quan tòa này nên tội phạm không sợ pháp luật. Họ tham ô, tham nhũng, và nếu bị phát hiện, truy tố, xét xử thì họ có thừa tiền để chạy án. Từ giảm án ban đầu cho đến các cách giảm dần khác. Tội phạm kinh tế và tội phạm hình sự biết được khoảng tối này trong môi trường tư pháp, nên sẽ lợi dụng để ẩn nấp, thực hiện các hành vi phạm tội và tìm đường để chạy nếu như bị pháp luật sờ gáy.

Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo và có nhiều biện pháp đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp. Tuy nhiên án oan sai còn nhiều, án tồn đọng không ít. Nguyên nhân vì sao, đó là dù đường lối có đúng đắn đến mấy, nhưng con người thực thi không có tài, thiếu cả đức, thì không  thể cải cách hiệu quả. Có nhiều ý kiến cho rằng phải tăng lươngcủa cán bộ trong các ngành tố tụng lên cao để dưỡng liêm. Đề xuất này cũng có lý, nhưng tiền bao nhiêu cho đủ khi con người có lòng tham, khi con người thiếu cái tâm.

Những người trẻ tuổi nhìn thấy thực trạng đó, biết được cái xấu, cái ác còn tồn tại không phải chỉ để biết mà góp sức loại trừ. Lên án cũng là một cách, nhưng hành động tích cực nhất là học hành, rèn luyện để trở thành những trí thức trẻ có tài năng, nhân cách. Nếu yêu nghề “Bao Công” thì làu thông pháp luật, công bằng và nhân ái.  Lúc đó đất nước mình không chỉ không còn ai chạy án, mà hạn chế được tối đa án oan sai, nhân dân được hưởng phúc. Phải vậy không, thưa các bạn?

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!