Muốn kinh tế bứt phá thì không thể cứ "đè" doanh nghiệp!

Bích Diệp

(Dân trí) - Gánh nặng thanh, kiểm tra vẫn "đè" doanh nghiệp - nội dung này được nhiều cơ quan báo chí đăng tải ngày 14/3 để lại trong tôi nhiều suy nghĩ.

Muốn kinh tế bứt phá thì không thể cứ đè doanh nghiệp! - 1

"Gần 20% số doanh nghiệp được khảo sát gần đây cho biết, bị thanh, kiểm tra 2 lần/năm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng vẫn bị kiểm tra" - ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phản ánh tại hội thảo "Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam" ngày 12/3 vừa qua.

Là người trực tiếp thực hiện khảo sát về sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, ông Hiếu cho biết, gánh nặng lớn nhất với doanh nghiệp chính là bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần, khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro.

"Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ sợ nhất thanh tra, kiểm tra. Ví dụ trong trường hợp doanh nghiệp đã chia cổ tức hằng năm. Vài năm sau, cơ quan thanh tra vào cuộc, yêu cầu truy thu thuế, doanh nghiệp không biết xử lý như thế nào?", ông Hiếu dẫn chứng.

Hẳn rằng nhiều độc giả vẫn còn nhớ vụ việc quán "cà phê Xin Chào" cách đây ít lâu. Sự việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm quyền trong vấn đề thanh, kiểm tra doanh nghiệp.

Dù thời gian qua lãnh đạo Chính phủ rất quyết liệt trong chủ trương chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, được làm những gì mà pháp luật không cấm, thế nhưng, không ít nơi, các chủ doanh nghiệp vẫn quá "ngán", phải "kêu trời" với tình trạng "canh me", quyết "trị bằng được" của một số cấp cơ sở.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho hay, Luật Thanh tra yêu cầu việc thanh tra phải có kế hoạch hàng năm, trường hợp thanh tra định kỳ phải có quyết định thanh tra và gửi trước cho doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép giải trình đối với dự thảo kết luận thanh tra và kết luận cuối cùng phải được cung cấp cho doanh nghiệp.

Luật cũng có quy định các khoảng thời gian cụ thể cho từng bước của một cuộc thanh tra. Tuy nhiên, đối với hoạt động kiểm tra thì hiện nay không có các quy định như vậy. Trong khi đó, có sự trùng lặp giữa việc thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp về nội dung và hệ quả pháp lý của hai hoạt động này.

"Chính vì vậy, tình trạng nhiều cơ quan nhà nước lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn diễn ra" - ông Tuấn nhận xét (VOV - 12/2/2021).

Đây cũng là một biểu hiện của tình trạng "trên nóng dưới lạnh" đang khá phổ biến, thậm chí không ít nơi "nói một đường làm một nẻo", kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư nhưng "trên rải thảm, dưới rải đinh" khiến doanh nghiệp "đi mắc núi về mắc sông", muốn đầu tư lắm mà triển khai thì… chịu!

Như ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI có lần ví von: "Con đường dài nhất Việt Nam không phải là từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức". Câu than thở nghe thì hài hước, mà ngẫm lại thấy sao chua cay đến thế!

"Đối thoại 2045" với các doanh nhân, trí thức tiêu biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại một trong những di nguyện lớn nhất của Bác Hồ chính là đất nước trở nên vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Mà muốn vậy, chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước.

Chính phủ khẳng định tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong mục tiêu đầy tham vọng, trở thành một nền kinh tế phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Dù sòng phẳng mà nói, vẫn có những có những doanh nghiệp vi phạm, sai phạm nhưng công tác thanh, kiểm tra phải đúng chức năng: làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi doanh nghiệp; chứ không phải phục vụ lợi ích trước mắt, động cơ không trong sáng của một nhóm người, cản trở mục tiêu chung của cả nền kinh tế!