Một ngày ở Sài Gòn qua lăng kính một “ông Tây”

(Dân trí) - Không nhất thiết chúng ta phải luôn nhìn thế giới qua một lăng kính khác, học cách thỏa hiệp, hoặc đóng khung lại những giá trị... Thay vào đó, có lẽ chúng ta nên cố gắng và ít nhất tưởng tượng rằng mình sẽ mất gì nếu chúng ta không làm như vậy.

Những hình ảnh và âm thanh của Sài Gòn không bao giờ làm bạn thất vọng.

Ví dụ như “Hẻm Cá Vàng”, nơi mà người đàn ông trong ảnh hẳn là đang hướng đến. Ở đó thường có khoảng nửa tá người bán hàng nhiệt tình mời chào một thứ mà, trong cái thời tiết nóng nực ở đây, tôi chỉ có thể gọi là “món ăn được luộc chín trong túi”, hơn là một thứ vật nuôi cho lũ trẻ.

 
Chở cá vàng ở Sài Gòn. Ảnh: Steve Jackson
Chở cá vàng ở Sài Gòn. Ảnh: Steve Jackson

Nhưng, nếu bạn sống ở Sài Gòn và muốn mua một con cá nuôi, dù cho tuổi đời của nó thật đáng ngờ, thì bạn cũng biết là phải tìm đến đâu.

Hơn cả câu chuyện về những chú cá vàng, sáng nay tôi nhìn thấy một người đi xe máy, chở nguyên một con cá mập dài một mét, được buộc cẩu thả ở yên sau chiếc xe cà tàng, lượn lách vượt tôi trên đường phố đông nghẹt vào giờ cao điểm. Chẳng có chiếc thùng bảo vệ và đông lạnh nào hết, chỉ có cái đuôi bị chặt ra và mọi thứ còn lại phơi bày cho cả thế giới nhìn ngắm.

“Tất nhiên rồi”, cuối cùng thì bạn cũng phải nói thầm với bản thân, “và tại sao không chứ?”… một nhà hàng nào đó, ở đâu đó, đã mua con cá mập và, chúng ta đang ở Việt Nam, nơi mà – như đã được chứng minh một cách thường xuyên qua hàng triệu ví dụ kỳ lạ và nguy hiểm của những “vật thể lạ” nằm trên yên những chiếc xe máy của Sài Gòn – thay vì chọn những phương tiện giao thông truyền thống hơn, thì cho Ông Cá Mập du ngoạn trên chiếc Honda cũ rích được coi là cách hiệu quả nhất (và hẳn nhiên là tiết kiệm nhất) để chuyên chở món hàng từ nhà kho tới tay người mua.

Hẳn thế, có gì mà phải ầm ĩ? Một người ở chỗ này đang bán những con cá vàng bị luộc tái. Một người ở chỗ kia đang kiếm sống bằng cách chuyên chở hải sản quanh thành phố. Nếu bạn muốn tìm một ví dụ về một quốc gia đầy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh, hoặc hình ảnh về sức sáng tạo táo bạo và linh hoạt, thì bạn đã tới đúng chỗ rồi đấy.

Sau đó, cũng trong buổi sáng, tôi ra phố để uống một ly cà phê, và một anh chàng trẻ tuổi bán mũ bảo hiểm tiếp cận tôi. Cậu ta đã tạo ra một thứ gian hàng di động (cơ bản là một hộp gỗ đặt trên xe máy) rồi treo những chiếc mũ dọc theo viền hộp bằng những chiếc mắc áo, rõ ràng là được mua từ một cửa hàng chỉ bán mắc áo.

Cậu chàng bán chủ yếu là mũ bảo hiểm cho trẻ em, nhưng điều đó cũng chẳng ngăn cản cậu ta chào mời tôi. Giá khởi điểm của cậu là vào khoảng tương đương 5 đô la Mỹ - không phải là số tiền tối ưu mà một người thường liên hệ với việc mua đồ bảo vệ cho đầu.

Ở bên kia đường, tôi thấy một người đàn ông mù cao tuổi, một tay cầm cây gậy trắng, tay kia cầm một tập vé số, đang dò dẫm tìm đường đi trên vỉa hè. Ông ấy thận trọng nhón chân, suýt té ngã giữa những cây cối và đám đông người ngồi ngổn ngang trên vỉa hè ăn những tô bún hay phở cho bữa trưa sớm, cũng như đủ loại xe bán dạo, xe đạp và thùng rác, nằm lung tung trên đường.

Cứ như là việc bị khiếm thị, cùng với việc kiếm sống nhờ bán từng tờ vé số giá vài ngàn đồng, còn chưa đủ thử thách cho ông ấy, nên hãy thêm vào yếu tố là ông phải làm mọi thứ đó trên những con phố hỗn loạn của Sài Gòn.

Trong khi tôi đang nghĩ về những điều đó thì ông già va phải một người khác, mà sau đó đã mua một tấm vé số rồi bắt đầu trò chuyện vui vẻ, trong khi tôi chờ nước uống của mình.

Cậu bán mũ liền băng qua đường, sau khi đã bỏ cuộc với tôi, và tham gia vào câu chuyện của họ. Cậu ta cũng mua một tấm vé số, và cùng lúc mời chào một chiếc mũ của mình. Đã diễn ra những thảo luận sôi nổi, và sau đó là những tràng cười giòn giã.

Mặc dù tôi không hiểu họ nói gì, nhưng tôi có thể gần như đảm bảo rằng cậu bán mũ đã cố gắng bán một chiếc cho người bán vé số mù (có lẽ là với ý định thực sự), trước khi người khách qua đường can thiệp và gợi ý rằng tuyên truyền những tác dụng của mũ bảo hiểm xe máy đối với một người không thể nhìn thấy gì, ngay cả đối với tiêu chuẩn của Việt Nam, cũng là một nỗ lực khá vô vọng.

Đó là cuộc sống hàng ngày ở Sài Gòn, và ở khắp Việt Nam, ở vô số nơi khác nữa. Nó là bình thường. Bất cứ điều gì có vẻ bất thường, không phù hợp, thực ra chỉ đại diện cho những mong đợi mà một người thường liên hệ với sự “bình thường” là gì.

Từ lúc đặt chân tới Việt Nam, chúng tôi đã được hưởng đặc ân có cơ hội tìm hiểu về những sắc thái, thói quen và lề lối văn hóa đã định nghĩa đất nước này theo cách độc nhất. Mỗi ngày mang lại quá nhiều tình huống và cuộc trò chuyện tươi mới và bất ngờ.

Việc tất cả chúng ta nghĩ, cảm giác và xử sự khác nhau là một ân huệ. Tuy nhiên, việc sống ở Sài Gòn thường gợi nên sự trân trọng và hiểu biết về những điều quan trọng trong cuộc sống, thì không hẳn là về sự khiêm tốn, mà liên quan tới những đường đi khác nhau của suy nghĩ và hành động.

Không nhất thiết chúng ta phải luôn nhìn thế giới qua một lăng kính khác, học cách thỏa hiệp, hoặc đóng khung lại những giá trị mà chúng ta đặt lên mọi vật. Thay vào đó, có lẽ chúng ta nên cố gắng và ít nhất tưởng tượng rằng mình sẽ mất gì nếu chúng ta không làm như vậy.

 
Ai ăn xoài không?... hay là trứng chim… bánh quy… phồng tôm?

Ai ăn xoài không?... hay là trứng chim… bánh quy… phồng tôm?

Tim Bishop

*** Tim Bishop sống ở Sài Gòn và làm việc cho tổ chức từ thiện CARE International.
 
Mời bạn đọc bản gốc bằng tiếng Anh của bài viết trên Dân trí tiếng Anh tại đây .