Một công văn hiếm của Hội Nhà báo Việt Nam

(Dân trí) - Dân chúng luôn tin tưởng vào công lý, nhưng niềm tin đó có bền vững hay không là do hệ thống pháp luật có cung cấp được công lý hay không.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Xét về nguyên tắc này, khi liên hệ với vụ án 194 phố Huế, có thể nhận định rằng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã không cung cấp được công lý theo đúng nguyện vọng của người dân. Vì sao vậy, trước hết là Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã không đưa vụ án 194 phố Huế - Hà Nội ra xét xử đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Như lời Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói: "Những tưởng những “rào cản” vô hình của vụ án Trịnh Ngọc Chung đã bị sự thật đè bẹp, đẩy lùi, thế nhưng một lần nữa TAND TP Hà Nội lại tiếp tục dành cho bị cáo này những “ngoại lệ” đặc biệt. Thời hạn đưa vụ án ra xét xử theo quy định của điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự tối đa không quá 4 tháng, tức không quá ngày 12/11/2013, tuy nhiên đến nay, về phía người bị hại (gia đình 194 phố Huế) vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì về vụ án từ TAND TP Hà Nội".

Tại nhiều vụ án,  HĐXX xét xử một vụ án cụ thể, có thể gây ra sai sót, thậm chí oan sai, nhưng không phải do động cơ tiêu cực, cố tình vi phạm pháp luật, mà do những lý do kỹ thuật. Còn vụ án 194 phố Huế, quá trình  điều tra, truy tố có nhiều cản trở, khó khăn, có hiện tượng bất thường mà dư luận đặt nghi ngờ có hay không việc "bao che tội phạm"?

 

Suốt quá trình điều tra, truy tố bị cáo Trịnh Ngọc Chung, báo chí tham gia đưa tin cùng các phân tích khách quan. Riêng báo Dân trí có hơn 40 bài báo, với nhiều góc nhìn phản biện rất thuyết phục. Vậy thì câu hỏi đặt ra, với hàng loạt bài báo phản biện như vậy, chẳng lẽ không đến tai TAND TP. Hà Nội và chẳng lẽ, không đến tai của những cá nhân có trách nhiệm và cơ quan có thềm quyền cấp cao hơn.

 

TAND TP Hà Nội vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, chẳng lẽ không có cơ quan nào xử lý vi phạm này?

 

Mới nhất, Hội nhà báo Việt Nam có công Văn gửi UBND TP Hà Nội, đề nghị có thông báo bằng Văn bản chính thức cho các cơ quan báo chí về việc chưa đưa vụ án 194 phố Huế ra xét xử đúng theo quy định của pháp luật.

 

Từ trước đến nay, ít có trường hợp một vụ án chậm đưa ra xét xử, báo chí vào cuộc đấu tranh cho công lý và Hội nhà báo Việt Nam phải lên tiếng bằng công văn như vụ án này. Chưa biết sau công văn này, báo chí có nhận được câu trả lời có lý lẽ hay không?

 

Đây có lẽ là lần đầu tiên, Hội Nhà báo Việt Nam có công văn như thế này và đã nhận được sự đồng tình của đông đảo bạn đọc Dân trí.

 

Bạn Diệu Hoa thanhho702005_tn@yahoo.com chúc Hội Nhà báo Việt Nam: “…luôn là chỗ dựa tinh thần và là nơi để nhân dân đặt niềm tin và chia sẻ!”.

 

Còn bạn Mai Huy Nam Mainam12345@gmail.com thì mong muốn: “Hãy luôn là những nhà báo của nhân dân. Đừng bao giờ là nhà báo của quan tham!”.

 

Phải chăng sự “chậm trễ” đến khó hiểu của TAND TP Hà Nội đã khiến Hội Nhà báo Việt Nam và đông đảo bạn đọc Dân trí bức xúc đến cao độ?

 

 

Lê Chân Nhân

 

 

rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!