Quan vui, dân vui, tiên tổ cũng vui?

(Dân trí) - Mong rằng 10 năm nữa, trong lễ dâng hương Kỉ niệm 1.000 năm (2028), Thanh Hóa sẽ có bản báo công rực rỡ dâng lên các bậc danh nhân, anh hùng, hào kiệt. Có lẽ khi đó, không chỉ dân vui, lãnh đạo vui mà dưới suối vàng, các liệt tổ, liệt tông cũng vui mừng cho cháu con nơi dương thế, phải không các bạn?

Quan vui, dân vui, tiên tổ cũng vui? - 1

Theo phản ánh từ báo Dân trí, ngày 12/6/2018, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VHTT&DLThanh Hóa ký công văn số 1625/SVHTTDL-KHTC gửi Sở Tài chính tỉnh này khái toán tổng kinh phí tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với số tiền 104.722.000.000 đồng. Trong số đó, có hơn 22 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa, số còn lại hơn 82 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp.

Ngay sau đó, trả lời phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa cho biết, đã nhận được văn bản và sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức cuộc họp giữa các sở, ngành để tính toán được cụ thể kinh phí. “Không có chuyện đề xuất bao nhiêu thì thẩm định và duyệt bấy nhiêu”. Ông Hùng khẳng định.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng cho biết: “Đó mới chỉ là khái toán, dự chi do Sở VHTT&DL lập, còn việc xét duyệt hay không còn phải tính toán nhiều yếu tố làm sao đảm bảo thiết thực, hiệu quả”.

Nhìn lại lịch sử, Thanh Hóa là mảnh đất anh hùng, miền phát vương của nhiều triều đại lừng lẫy, từng viết lên những trang lịch sử huy hoàng chống giặc ngoại xâm của dân tộc với rất nhiều anh hùng, hào kiệt. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ biên cương vừa qua, Thánh Hóa luôn xứng đáng với danh hiệu của mảnh đất anh hùng.

Vì thế, việc tổ chức một buổi lễ trang nghiêm, hoành tráng để tưởng nhớ tổ tiên, động viên nhân dân phát huy sức mạnh trong công cuộc phát triển đất nước cũng là điều cần thiết.

Thế nhưng những năm gần đây, hình như Thanh Hóa chưa phát huy được mạnh mẽ truyền thống quý báu đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Hiện nay, Thanh Hóa xếp vào tỉnh nghèo, đời sống người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán hay vào mùa giáp hạt, Thanh Hóa vẫn phải kêu gọi trung ương hỗ trợ gạo cứu đói. Ngân sách TW năm 2017 vẫn phải cấp ứng tới hơn 14 nghìn tỷ đồng (cao nhất cả nước) cho tỉnh này. Năm 2017, thu ngân sách được khoảng 13.000 tỷ đồng nhưng chi lên tới hơn 23.000 tỷ đồng.

Người xưa có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Một khi chưa “phú quý” thì cũng chưa nên quá nặng nề đến “lễ nghĩa” bới chắc gì nơi chín suối, các đấng bậc danh nhân cảm thấy vui nếu “mâm cào, cỗ đầy” mà cháu con còn khó khăn, nghèo khổ?

Vì thế với quan điểm cá nhân, người viết bài này ủng hộ tinh thần của Phó Giám đốc Nguyễn Bá Hùng là không phải đề xuất bao nhiêu, duyệt bấy nhiêu và Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng là tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Có lẽ 10 năm tới, Thanh Hóa nên tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là chấn chỉnh đội ngũ cán bộ để không còn những ì xèo nhức nhối như thời gian vừa qua.

Mong rằng 10 năm nữa, trong lễ dâng hương Kỉ niệm 1.000 năm (2028), Thanh Hóa sẽ có bản báo công rực rỡ dâng lên các bậc danh nhân, anh hùng, hào kiệt.

Có lẽ khi đó, không chỉ dân vui, lãnh đạo vui mà dưới suối vàng, các liệt tổ, liệt tông cũng vui mừng cho cháu con nơi dương thế, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám