Khi “quyền từ chối” bị lãng quên?

(Dân trí) - “Điều bắt buộc Việt Nam phải chấp nhận dùng nhà thầu Trung Quốc” – một tiêu đề gây tò mò trên báo Dân trí gần đây. Bài báo dẫn nguồn từ VietnamNet phản ánh kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng, đề nghị Chính phủ quan tâm đến các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện trong thời gian qua, bởi với chất lượng kém, thi công chậm các dự án này đã dẫn đến độ vốn cao và khiến dư luận bức xúc.

Khi “quyền từ chối” bị lãng quên? - 1

Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản trả lời lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu chính là việc chúng ta sử dụng vốn vay của họ. Cụ thể, để vay vốn Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay. Và do đó, phương án mà Bộ này đưa ra chính là Việt Nam cần tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều.

Nghe thì có vẻ rất logic, rất hợp lý. Nếu vay Trung Quốc ít đi, thậm chí là không vay, thì đương nhiên không còn ràng buộc nào để sử dụng nhà thầu Trung Quốc và những hệ luỵ tiếp theo cũng sẽ không nhức nhối như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu lật lại vấn đề một nước đang phát triển với nhu cầu vốn lớn như nước ta thì sao có thể không đi vay? Vay Trung Quốc hay bất cứ đối tác nào cũng đều sẽ có những điều kiện nhất định. Vậy vì sao nếu nhận thấy điều kiện vay không hợp lý mà vẫn vay trong khi chúng ta hoàn toàn nắm trong tay quyền quyết định “vay hay từ chối vay”?

Hơn nữa, kể cả khi vay vốn Trung Quốc thì cũng không thể nói việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu vì bỏ thầu giá rẻ là “đương nhiên” được. Bởi nếu vậy pháp luật về đấu thầu ở đâu? Trách nhiệm của những đơn vị lập dự án, phê duyệt dự án ở đâu khi không xác định được tổng mức đầu tư dự án khiến những nhà chào thầu có công nghệ tiên tiến đều bị đánh trượt?

Bộ KH-ĐT đặt vấn đề rằng: “Người có thẩm quyền, chủ đầu tư phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực trong việc tổ chức lập, phê duyệt dự án, đặc biệt là những dự án/gói thầu phải tổ chức đấu thầu quốc tế, trong đó tổng mức đầu tư của dự án phải phù hợp với công nghệ và xuất xứ của hàng hóa, thiết bị mong muốn”. Bộ này cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải nâng cao năng lực, đạo đức và trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Nói như chuyên gia kinh tế Bùi Trinh khi trả lời phỏng vấn PV Dân trí ngày 23/11 thì những khuyến nghị, yêu cầu trên nghe như “một câu khẩu hiệu suông” vậy! Sau rất nhiều dự án chây ì, kéo lê thê cả chục năm và đội vốn khủng khiếp thì rốt cuộc vẫn chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm (chứ chưa nói là tự nguyện đứng ra nhận trách nhiệm). Cũng chưa thấy ai từ chức hay mất chức vì không có năng lực cả.

Trong khi đó, ai là người trả nợ: Dân! Ai là người phải chịu hệ luỵ, bị thiệt hại vì sự trì trệ đó: Cũng là dân! Còn “người có thẩm quyền” mà Bộ KHĐT nhắc đến ở đâu? Chịu!

Người viết tán thành với ý kiến của chuyên gia Bùi Trinh: “Khi ta yếu kém, tham nhũng và lợi ích nhóm thì dường như Trung Quốc là cái để chúng ta đổ vạ”. Vấn đề không chỉ là vay ai, vay ở đâu mà còn là vay để làm gì, vay xong thì sử dụng vốn vay ra sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm về những đồng vốn vay bị thất thoát ấy?

Nếu tham nhũng và lợi ích nhóm vẫn có một “thành trì” thì chưa kịp mừng vì vay được 1 đồng, đất nước sẽ lại phải trả giá 2-3 đồng. Đau xót lắm!

Bích Diệp