Khi “ký ức” thành “di sản”

(Dân trí) - Từ những năm 90 của thế kỷ 20, tổ chức Unesco đã khởi xướng một chương trình có tên gọi “Ký ức thế giới”. Chương trình nhằm nhận diện các tư liệu giá trị của nhân loại ở tất cả các châu lục, để từ đó bảo vệ, duy trì và tạo điều kiện tiếp cận, phổ biến các giá trị này ra toàn cầu.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Mới đây, Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) đánh giá cao 2 di sản của Việt Nam và đã ra quyết định công nhận chúng là những “ký ức của thế giới”, có giá trị tư liệu toàn cầu. Đó là “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế" (Thừa Thiên Huế) và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh).

Vậy là mộc bản phản ánh truyền thống học tập của chỉ một dòng họ nhỏ, ở một vùng quê nghèo hẻo lánh của Việt Nam (dòng họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), đã trở thành một phần của ký ức nhân loại, được thế giới biết đến và trân trọng, giữ gìn.

Nghe nói nội dung của những pho kinh, sách khắc trên mộc bản này xoay quanh những vấn đề giáo dục như dạy kiến thức, dạy đạo đức giúp trẻ em học hành nên người, trở thành những công dân có cống hiến cho xã hội, có nhân cách tốt, sống hòa hợp và khoan dung với cộng đồng…

Nó làm giật mình một kẻ vô tâm như mình.

Ừ nhỉ, đâu chỉ có các triết thuyết, công trình tuyệt phẩm, trước tác; Đâu chỉ có những sự kiện quy mô có tầm ảnh hưởng rộng lớn… mới trở thành ký ức của nhân loại. Ký ức nhân loại chỉ đơn giản là tất cả những gì liên quan đến đời sống hằng ngày của những con người bình thường trên khắp hành tinh này.

Cách đây gần 3 thế kỷ, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu chỉ khắc những mộc bản này phục vụ cho việc giáo dục, học hành của con cháu trong nội tộc mình. Họ đâu biết việc làm bình thường của họ đến một ngày lại thành chứng tích góp mặt vào hành trình của văn minh nhân loại.

Đâu phải chờ tới những đóng góp lớn lao, những sự nghiệp kỳ vĩ, càng không cần phải đi đốt đền như Erostrat, chỉ cần sống có trách nhiệm với chính con cháu mình thôi, chỉ cần đơn giản sống cuộc đời bình dị, có ích với tất cả bản sắc riêng của một con người, một cộng đồng là bạn sẽ có cơ hội đứng cùng nhân loại, ở lại cùng lịch sử.

Những gì diễn ra hôm nay sẽ là ký ức của ngày mai. Bạn đang sống những ngày này cũng có nghĩa là bạn đang viết nên ký ức cho ngày sau. Bất kể bạn là ai, bạn đang tồn tại nghĩa là bạn là một phần không dễ tách rời của thế giới. Những điều đúng đắn bạn nghĩ, những việc đúng đắn bạn làm hôm nay sẽ nằm trong ký ức của nhân loại mai sau.

Tất nhiên, điều kiện tiên quyết để có được điều đó là bạn phải có một hậu duệ biết trân trọng quá khứ, trân trọng những gì mà các thế hệ đi trước đã làm, cho dù nó chỉ là điều bình thường giản dị nhất. Ví như những mộc bản kia, trước khi được cả thế giới biết đến, con cháu của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu đã biết tôn quý, giữ gìn suốt gần 300 năm qua bất chấp mọi khó khăn thử thách.

Nhân loại biết lấy gì để làm nên ký ức, nếu con cháu của một dòng họ nhỏ tận miền quê nghèo xa xôi kia không biết ghi nhớ?

Cát Thụy