Khẩu trang “giá cắt cổ” và “cơ chế” của thị trường

(Dân trí) - Không ít người kinh doanh “khôn lỏi” nhưng lại tự vỗ ngực cho mình là “thức thời” và “thông minh”.

Khẩu trang “giá cắt cổ” và “cơ chế” của thị trường - 1

Ngày 31/1, chợ thuốc lớn nhất miền Bắc - HAPU, chật cứng người mua khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn, có những nơi hỗn loạn. Nhiều tỉnh thành trên cả nước, các hiệu thuốc báo “khan hàng”.

Song song với đó, những người bán hàng online cũng tích cực “thần thánh hoá” công dụng của các loại khẩu trang “cao cấp”, trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng đang lo ngại dịch cúm do virus corona lan rộng.

Giá khẩu trang theo đó bị đẩy cao hàng chục lần so với thông thường. Gần 500 nghìn một hộp khẩu trang 20 chiếc là mức giá khó tưởng tượng, “cắt cổ” người tiêu dùng.

Thế nhưng, theo thông tin được Bộ Công Thương báo cáo tại hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) với lãnh đạo các tỉnh thành và ban, ngành diễn ra sáng ngày 1/2/2020, thì năng lực sản xuất khẩu trang đang “hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước”.

Cụ thể, hiện nay, cả nước có 38 đơn vị sản xuất khẩu trang 3 lớp với sản lượng hơn 1,2 triệu chiếc/ngày; 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95 có năng lực sản xuất 32 nghìn chiếc/ngày.

Từng có vị doanh nhân nói với người viết rằng, không ít người kinh doanh “khôn lỏi” nhưng lại tự vỗ ngực cho mình là “thức thời” và “thông minh”.

Song, cũng chính vì có những người kinh doanh như vậy mới có “sự thất bại của thị trường” và tạo ra tính muôn vẻ trong cái gọi là “cơ chế thị trường”.

 dam Smith, người được coi là “cha đẻ của kinh tế học hiện đại”, ở một tác phẩm có tên “Theory of Moral Sentiments” đã bàn về đạo đức trong kinh tế thị trường, khẳng định thị trường phải có cạnh tranh nhưng cạnh tranh trên thị trường cần dựa trên sự đồng cảm (sympathy) và phải được xã hội đón nhận, đó mới là cạnh tranh có chính nghĩa.

Sau đó, Alfred Marshall, tác giả của cuốn sách kinh điển “Những nguyên lý của kinh tế học” (Principles of Economics) cũng nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức, nhân văn cần có trong kinh tế thị trường.

Và bởi vậy, các nhà kinh doanh đừng mượn danh “thị trường” để thoả mãn lòng tham của mình và bào chữa cho hành vi đẩy giá, trục lợi trên nỗi lo sợ của cộng đồng. Đó là một kiểu “gian thương”, kinh doanh phi đạo đức và không bền vững.

Ngài Thị trường (Mr. Market) vốn dĩ rất công bằng. Những người trục lợi trên thị trường bất chấp lương tâm và đạo đức, nếu không bị cơ quan quản lý “sờ gáy” thì rồi cũng phải trả giá cho sự tham lam của họ.

Nói một cách đơn giản, khách hàng hôm nay có thể vì lo lắng cho sự an toàn của họ mà mua khẩu trang ở hiệu thuốc với giá “trên trời”, nhưng đó có thể là lần cuối họ ghé hiệu thuốc đó.

Những trải nghiệm tồi tệ khi mua khẩu trang tạo nên sự miễn cưỡng đối với người mua và sẽ không hề bất ngờ nếu như sau đó hiệu thuốc bị “cạch mặt”.

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp cố tình trục lợi từ dịch nCoV. Đặc biệt, “nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức”.

Đúng như ông Đam khẳng định: “Đây là vấn đề kỷ cương, đạo đức kinh doanh”. Các trường hợp đầu cơ, ngoài việc xử phạt nghiêm, sẽ tịch thu khẩu trang để phát miễn phí cho người dân.

Điều đáng quý là vẫn có những cơ sở kinh doanh rất tử tế, không những cam kết bán theo giá niêm yết mà thậm chí còn biếu, tặng miễn phí. Họ có thể không lãi sốc, nhưng họ chiếm được cảm tình lâu dài của khách hàng, giữ chân khách hàng bằng “văn hoá” và “đạo đức”.

Cuối cùng, bản thân người viết không phản đối nhu cầu sử dụng khẩu trang, song có góp ý rằng, tác dụng chính khẩu trang là hạn chế nhiễm virus, vi khuẩn lây qua con đường giao tiếp. Nên chỉ cần khẩu trang y tế là đủ chuẩn (không nhất thiết phải mua khẩu trang chuyên dụng, quá đắt tiền) và cũng có thể dùng khẩu trang bằng vải (để có thể tái sử dụng, bảo vệ môi trường) như khuyến cáo của một số thầy thuốc.

Quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị cho bản thân một nền tảng sức khoẻ tốt bằng cách luyện tập thể dục, bổ sung dinh dưỡng, vitamin đầy đủ.

Biết lo, biết phòng bị nhưng không nên hoảng loạn. Chính tâm lý hoảng loạn sẽ tạo môi trường cho gian thương trục lợi!

Bích Diệp