Hình phạt nào cho những kẻ ấu dâm?

(Dân trí) - Tuần trước, báo chí đã dẫn thông tin được công bố từ Bộ Công an: Năm 2018, có tới 1.141 trẻ em bị xâm hại tình dục. Mặc dù đây là một con số khá lớn, nhưng theo một số chuyên gia luật, chuyên gia tâm lý... thì con số thực tế có thể lớn hơn nhiều.

Hình phạt nào cho những kẻ ấu dâm? - 1

Vụ việc ông N.H.L nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng được cho là có hành vi dâm ô với một trẻ em trong thang máy ở một khu chung cư tại thành phố này vừa qua đã thổi bùng lên sự giận dữ trong dư luận, nhất là khi, đến thời điểm này, các biện pháp điều tra, xử lý làm rõ đúng - sai với nghi phạm này dường như chưa được tiến hành nhanh chóng.

Trước đó, vụ một thanh niên có hành vi tấn công, quấy rối tình dục với một nữ sinh cũng trong thang máy tại khu chung cư ở quận Thanh Xuân- Hà Nội coi như đã kết thúc khi thanh niên này đã thừa nhận tội và chỉ bị phạt 200 ngàn đồng. Vụ việc đó cũng đã tạo lên làn sóng chỉ trích của người dân vì cho rằng, mức phạt đó quá nhẹ, không tương xứng với hành vi. Thì đến vụ việc này, không khó hình dung ngay từ đầu khi mới xảy ra, sự giận dữ của dư luận càng lên đến cao trào như trong mấy ngày vừa qua.

Việc điều tra, xử lý với ông N.H.L như thế nào, cơ quan hữu quan sẽ có biện pháp khi đã có những bằng chứng như biên bản hôm xảy ra sự việc, ông này cũng đã thừa nhận có hành vi ôm, hôn cháu bé. Tuy nhiên, đây cũng là dịp cần phải nhìn lại công tác bảo vệ trẻ em, nhất là lĩnh vực phòng, chống các hoạt động xâm hại tình dục (XHTD) với trẻ em.

Theo như con số của Bộ Công an công bố cuối tuần qua mà Dân trí đưa tin, năm 2018, đã có tới 1.141 trẻ em bị XHTD. Con số này là khá lớn so với nhiều quốc gia khác, nhưng cũng có giảm nhẹ so với năm 2017 (giảm 2,8%), trong 1.269 vụ, liên quan tới 1.233 đối tượng khác nhau.

Con số giảm trên rõ ràng là không đáng kể và chưa chắc nó đã phản ánh đúng tình hình thực tế khi thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ việc XHTD trẻ em nghiêm trọng mà báo chí đã đăng tải. Theo nhiều chuyên gia về pháp lý, tội phạm học, tâm lý học, số vụ việc XHTD trẻ em có thể lớn hơn nhiều do trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về tâm lý. Phụ huynh, người thân nhiều trẻ em khi biết con, cháu mình bị XHTD cũng không ít người chọn giải pháp im lặng để tránh trẻ tiếp tục bị tổn thương. Hay chính các em nhỏ, do sự non nớt, không hiểu biết, nhiều trẻ còn không biết hay sợ hãi, không dám thuật lại việc bị xâm hại cho người thân.

Cho nên, những con số thống kê đã công bố, dù đã không phải là con số nhỏ nhưng có thể còn chưa đầy đủ, cần các cơ quan chức năng tìm giải pháp xác định chính xác hơn. Nhưng nó cũng đã đáng gióng lên hồi chuông báo động, cảnh báo mức độ XDTD trẻ em ở nước ta đã rất nghiêm trọng.

Người ta đã nói đến rất nhiều nguyên nhân khiến số vụ XHTD trẻ em ở ta rất cao như tình trạng ly hôn gia tăng khiến nhiều trẻ em bị bỏ rơi, thiếu sự quan tâm, chăm sóc; rồi tình trạng quản lý, giám sát, bảo vệ trẻ em ở nhiều địa phương bị buông lỏng... Nhưng rõ ràng, quan sát trên báo chí, mạng xã hội (facebook) những ngày qua, có thể nói, ý kiến cho rằng, nguyên nhân về tình trạng quy định của luật pháp về các mức xử lý với hành vi XHTD còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe; sự vào cuộc, điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa nhanh, chưa quyết liệt; sự lên tiếng của các tổ chức chính trị-xã hội như các hội phụ nữ, bảo vệ trẻ em, Cục Bảo vệ trẻ em... chưa kịp thời là những ý kiến rất có lý, được chứng minh qua những vụ việc thực tế xảy ra rất gần đây thôi.

Một vụ tấn công, quấy rối tình dục mà hành vi đã được chứng minh rõ ràng, kẻ gây tội cũng đã thừa nhận như vụ việc xảy ra ở một chung cư tại quận Thanh Xuân-Hà Nội vừa qua mà chỉ bị phạt 200 ngàn đồng. Đó thực sự là sự giễu cợt đối với nạn nhân, là trò đùa của luật pháp.

Mạnh Quân