Giá như Thủ tướng mạnh tay hơn…!

(Dân trí) - Nếu tin này được đăng hôm qua, vào “ngày nói dối” 1/4 thì có lẽ cũng chẳng có ai tin. Và ngay cả thông tin đăng tải ngày hôm nay, có lẽ cũng chẳng mấy ai tin nếu nó không phải từ người đứng đầu Chính phủ nói công khai tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2016.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Khi bàn về tự chủ tài chính và biên chế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hiện có hai cực, cực đoan về phía nào cũng dẫn tới không tốt. Trước đây chúng ta quản lý viên chức các đơn vị sự nghiệp rất chặt, xin thêm từng người, phải duyệt rất kỹ. Sau đó, giao tự chủ để các đơn vị tự quyết định thì lại “thu nhận quá trời thu”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn cho biết khá cụ thể: “Tôi được báo cáo có đơn vị có đồng chí trước khi nghỉ hưu nhận 300 người. Nhận thì phải giải quyết hậu quả sau này, mặc dù là hợp đồng” - Theo VOV ngày 28/3, bài "Thủ tướng: Có người trước khi nghỉ hưu nhận 300 người".

“Siêu” kinh hoàng!

Trước đây, cứ ngỡ ông Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Rum trước khi hạ cánh đã ký “thăng quan” cho 30 trường hợp cấp phòng và tương đương là kinh hoàng lắm.

Rồi đến ông Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, trong buổi “hoàng hôn nhiệm kỳ” đã ký “tiến chức” cho 60 trường hợp cấp vụ và tương đương thì tưởng sự “kinh hoàng” của “chuyến tầu vét” đã là đỉnh điểm.

Thế mà giờ đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết có người trước khi nghỉ hưu nhận tới… 300 người thì không chỉ kinh hoàng mà “siêu” kinh hoàng, gấp 5 lần ông Truyền và gấp 10 lần ông Rum.

Tất nhiên, việc ký nhận được tới 300 người, “tác giả” phải là người có chức tước to, thậm chí rất to. Bởi cái con số 300 người có lẽ phải tương đương với lượng công chức, viên chức của cả một văn phòng ủy ban cấp tỉnh hoặc thành phố?

Thử hỏi trong số 300 người ấy, có bao nhiêu người thực sự làm được việc? Khó có thể biết chính xác nên đành lấy con số 30% “có cũng được mà không cũng được” của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì sẽ có khoảng 100 người “sáng cắp ô đi, tôi cắp về”.

Mà trong số 300 người đó, ai là người thực sự có năng lực và thật sự cần thiết cho công việc?

Ai là “tay không bắt giặc”, tức là được tuyển chọn một cách sòng phẳng, không có 2 chữ “tình” hoặc “tiền”?

Ai vào đó “gửi chân” để bộ máy căng phồng đến mức “Thu ngân sách 1 triệu tỷ mỗi năm nhưng chi lương thường xuyên cho cán bộ hành chính đã hết 400 nghìn tỷ đồng... Một ông nông dân cõng bốn ông công chức béo thì chết, dân oán thán lắm” như lời ĐB Đỗ Văn Đương?

Và chợt ước giá như trước đây, Thủ tướng mạnh tay hơn như đề nghị của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu trước Quốc hội ngày 29/3:

“Nếu Thủ tướng mạnh tay cách chức các Bộ trưởng, các Chủ tịch tỉnh không hoàn thành nhiệm vụ chứ không đợi đến khi hết nhiệm kỳ mới thay thì đã chặn được ngay tư tưởng trên bảo dưới làm ngơ. Nếu Thủ tướng kiên quyết xử lý một vài lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vi phạm thì tình hình đã khác so với việc đợi đến khi họ vào tù mới xử lý…”

Vâng, giá như Thủ tướng mạnh tay hơn…!

Bùi Hoàng Tám