Đừng “mặc cả” với nhân tài

(Dân trí) - Câu chuyện những học sinh giỏi phải nộp thêm hàng chục triệu đồng mới được vào đội dự tuyển quốc gia được các nhà quản lý lý giải là để “ xã hội hóa giáo dục”, nhưng thực chất là hình thức “thương mại hóa giáo dục” một cách không cao thượng.

Vẫn nhớ cách đây hơn 15 năm, hồi tôi được vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi Văn quốc gia, chao ôi là vinh dự. Ở cái “trường làng” tôi học, việc có được một học sinh vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia là một thành tích đáng tự hào. Ngoài việc được nhà trường tặng thưởng, đội tuyển tôi còn được các thầy cô “bồi dưỡng” một khoản tiền nho nhỏ, đủ để tôi mua một cái đồng hồ “chặt góc” hiệu Seiko. Oách lắm.

Hồi đó, chuyện học hành thi cử thật trong sáng vô cùng. Học trò chỉ việc học, thầy cô chỉ lo việc dạy dỗ, tuyệt nhiên không quan tâm lắm đến chuyện cơm áo gạo tiền. Học sinh được vào đội tuyển đã mừng, thầy cô được chọn dạy đội tuyển cũng tự hào không kém. Không một thầy cô nào dạy đội tuyển học sinh giỏi quan tâm nhiều về tiền bồi dưỡng, mà chỉ hi vọng sẽ có một hai người trong số các học sinh của mình rinh về được giải quốc gia cho trường, cho tỉnh. Còn lũ học trò chúng tôi, chỉ biết cắm đầu vào sách vở, dùi mài kinh sử suốt 3 tháng để ra đấu trường, để không phụ lòng cha mẹ và các thầy, các cô ngày đêm chăm lo, săn sóc.Nhưng câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa” ấy dường như đã quá xa xôi, thậm chí trong tâm trí của một số người, nó được xem như là “chuyện cổ tích”.
 

Đừng “mặc cả” với nhân tài - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Câu chuyện mỗi học sinh giỏi dự đội tuyển quốc gia ở Hải Phòng phải đóng ít nhất 300.000 đồng, thậm chí có em phải đóng cả chục triệu đồng để mời thầy giỏi về dạy, để chung tay với nhà trường làm công tác “xã hội hóa giáo dục” mới đây là một minh chứng.

Nhà trường đã không còn xem những “chú lính chì” của mình sẽ là những người đem về thành tích cho trường, cho lớp, mà thay vào đó là một sự “đổi chác” để hai bên cùng có lợi. Học sinh nếu có giải quốc gia sẽ được lợi khi xét vào đại học, nhất là khi Bộ Giáo dục – Đào tạo đã “tái khôi phục” việc cho phép các trường đại học, cao đẳng tuyển thẳng những học sinh đạt giải quốc gia từ năm nay. Nhà trường có lợi khi vừa có thành tích tốt vừa bớt được chi phí đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, thậm chí không loại trừ còn có thể “kiếm chác” chút đỉnh từ khoản ngân sách bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi được tổ chức hàng năm này.

Nhưng, nếu như thế thì mục tiêu chính của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đã không còn, khi học sinh dự thi chấp nhận bỏ ra cả chục triệu đồng đi thi không phải để khẳng định năng lực mà để tìm kiếm cơ hội vào thẳng đại học, được chọn trường ngon, ngành tốt. Kỳ thi cũng không còn là cách mà qua đó, ngành giáo dục tìm kiếm, phát hiện ra những người giỏi rồi đào tạo, bồi dưỡng để họ trở thành những hạt nhân xuất sắc trong tương lai. Thay vào, hình như mục tiêu lại là để “giải ngân” những khoản kinh phí được cấp hàng năm.

Một khi chữ tài phải được đổi chác bằng tiền, một khi giải thưởng cũng được “định giá”, được đem ra để “mặc cả” cho chính người tham dự, sẽ có rất nhiều người phải đứng ngoài cuộc chơi, mà bằng chứng là không ít em học sinh ở Hải Phòng bị loại ra khỏi đội tuyển chỉ vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn.

Tôi lại nhớ đến một câu mà cộng đồng mạng vẫn thường hay nói: “Đừng hỏi vì sao người ta nghèo mà học giỏi, mà hãy hỏi vì sao học giỏi mà vẫn nghèo”. Nếu kỳ thi chọn lựa tài năng cũng có một điều kiện dành cho thí sinh là “không được nghèo”, thì đây đó sẽ còn không ít người giỏi phải ngậm ngùi dừng cuộc chơi…?

Các bạn đồng ý với tôi không ?

Thế Nam