Điện ảnh Việt không phải thiếu tiền mà thiếu tài

(Dân trí) - Bộ mặt của phim Việt trong những năm gần đây ngày càng trở nên hài hước với tất cả nghĩa đen của từ này. Bởi vì, có một số nhà sản xuất đã trình diễn trước công chúng những tác phẩm hài có nội dung rất nhạt nhẽo, rẻ tiền đến mức vừa xem vừa thọc lét cũng khó để cười.

 

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Chất lượng phim quá kém, đạo diễn dễ dãi trong nghệ thuật nên cũng không đòi hỏi tài năng, thậm chí là kỹ năng của diễn viên. Có không ít phim, chỉ nghe vài lời thoại, xem một vài pha diễn xuất, người biết xem phim chỉ muốn tắt tivi.

 

Các đạo diễn tuyên bố chạy theo thị hiếu của thị trường, làm phim nhanh, gọn, rẻ tiền cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Phim nhằm gây cười, không cần nghệ thuật và khỏi đau đầu hiểu nghệ thuật là gì. Từ cách suy nghĩ của nhà làm phim, đạo diễn như vậy nên điện ảnh Việt cứ tuột dốc không phanh. Những người có con mắt xem phim không muốn nhắc đến phim Việt nữa.

 

Giáo dục thẩm mỹ cho con người rất công phu, đa dạng, trong đó có vai trò của nghệ thuật điện ảnh. Nhưng với chất lượng của điện ảnh Việt hiện nay, không những không giáo dục được mà còn tạo hiệu ứng ngược lại, phản thẩm mỹ. Hãy cứ chịu khó ngồi xem đầy đủ một bộ phim hài nhảm, sẽ thấy phản cảm như thế nào.

 

Trách ai bây giờ khi chúng ta không có nhiều đạo diễn tài năng, không có nhiều diễn viên đẳng cấp, không có nguồn tài chính đầu tư cho những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao. (Chợt nhớ dịp Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, Nhà nước chi 56 tỉ đồng từ ngân sách để làm bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” dài 30 tập mà không thấy tivi phát, không biết bây giờ ra sao?).

  

Đạo diễn, diễn viên được đào tạo chắp vá. Sản xuất tác phẩm nghệ thuật điện ảnh mà không có tài, không có tiền, không có niềm đam mê thì không thể có cái gọi là tác phẩm nghệ thuật thực sự.

 

Có một thực tế là phim gây cười rẻ tiền lại rất đông khán giả, còn phim có giá trị nghệ thuật cao thì rất kén, cho nên các nhà làm phim lựa chọn loại phim này để khỏi thua lỗ. Đây cũng là nguyên nhân làm cho phim Việt ngày càng sa sút.

 

Chính vì vậy, đạo diễn Đặng Nhật Minh có ý kiến không nên cào bằng trong đánh thuế đối với phim hài rẻ tiền và phim nghệ thuật cao. Nhà nước cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa loại phim để kiếm tiền với phim có chất lượng nghệ thuật và mang ý nghĩa giáo dục. Nói một câu như đạo diễn Đặng Nhật Minh thì dễ, nhưng để đánh giá phim này có ý nghĩa giáo dục, phim kia chỉ là loại rẻ tiền thì e còn cãi nhau chán.

 

Chuyện thiếu tiền chỉ là một phần thôi, điện ảnh Việt có chân dung thê thảm như hiện nay là vì chúng ta thiếu tài. Nếu không có những đạo diễn, diễn viên tài năng thì có một núi tiền cũng chỉ sản xuất ra những bộ phim… rẻ tiền.

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!