Đến bao giờ những nỗi đau này dừng lại…

(Dân trí) - Buổi chiều ngày 21/3, 9 học sinh ở độ tuổi tiểu học và THCS ra bãi cát Thịnh Minh (thuộc phường Thịnh Lang, TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình) cạnh sông Đà chơi rồi xuống sông tắm. Đó cũng là buổi chiều cuối cùng của 8 trong số 9 cháu bé, sau một buổi đi chơi đã không thể về nhà.

m_duoi-nuoc.jpg

 

Thương các cháu bao nhiêu xót xa gia đình các cháu bấy nhiêu. Phải mang nặng đẻ đau, từng ngày chăm bẵm, lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ, bên con mỗi bước trưởng thành… mới thấu hết nỗi đau khôn cùng của người làm cha, làm mẹ khi phải trải qua mất mát quá lớn lao này.

Buổi chiều định mệnh ngày 21/3 ấy, đó là thời gian các em được nghỉ học - bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Trưởng Phòng giáo dục TP Hòa Bình thông tin với PV Dân trí như vậy. Và theo đó, chúng ta hiểu rằng, thời gian nói trên, các em không còn nằm trong phạm vi quản lý của nhà trường mà do phụ huynh quản lý.

Chúng ta ai cũng đều mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các con mình, sẵn sàng hi sinh mọi thứ vì con cái. Nhưng vòng tay yêu thương sao chở che, bảo vệ được con em mỗi phút, mỗi giây khi các các con đến tuổi đến trường. Ai có thể ngờ, chỉ ít phút thôi, mà tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 8 em trong cùng một xóm.

Đành rằng tai nạn là điều không ai ngờ, không ai muốn. Nhưng nhìn lại số liệu mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp, “ở Việt Nam, mỗi năm có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước” mới thấy rủi ro tử vong do đuối nước là điều không thể coi thường và đã đến lúc người lớn phải nghiêm túc nhìn lại trách nhiệm của chính mình trong vấn đề này.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia hàng đầu có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Đây cũng là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong ở trẻ em do tai nạn thương tích trên toàn quốc.

Còn nhớ cách đây chỉ vừa hơn 1 tháng, vào chiều 8/2 (mùng 4 Tết) cũng đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm tại bãi biển Bình Minh (xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) khiến 6 em học sinh tử vong.

Sẽ không một phép màu nào để mang các em trở lại. Không có chữ “giá như” … Nhưng sẽ chẳng ai khác ngoài chính người lớn chúng ta phải thay đổi tư duy về giáo dục, về nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ để tránh những tai nạn tương tự lặp lại sau này.

Dẫu biết ở ta, trẻ có quá nhiều điều để học, nhưng “biết bơi” cần phải là điều tiên quyết, là bắt buộc. Không chỉ bởi đây là môn học nhằm tăng cường thể lực, cải thiện vóc dáng, chiều cao cho trẻ, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng tốt hơn mà hơn hết, đây là môn học giúp trẻ sinh tồn.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 với các mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em. Từ tháng 6/2018, Bộ LĐ-TBXH, Tổ chức WHO và GHAI cũng đã triển khai dự án can thiệp để phòng chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Quỹ Từ thiện Bloomberg. Nhiều cảnh báo về nguy cơ đuối nước cũng đã được đưa ra.

Song quan trọng vẫn phải là sự phổ biến thực hiện, phải là yêu cầu cụ thể tại từng trường học, từng thôn xóm, phường xã; là nhận thức của mỗi gia đình, mỗi lãnh đạo nhà trường. Bởi sự phát triển lành mạnh về thể chất của các em học sinh cũng thiết thực không kém thành tích về những cuộc thi học sinh giỏi…

 

Bích Diệp