Để lễ hội không phải là hội chợ

(Dân trí) - Mùa Tết, mùa lễ hội, mùa vui chơi. Dân gian có thơ "Tháng giêng là tháng ăn chơi" là vì vậy. Nhưng hiện nay, lễ hội bị "lạm phát" và bị lạm dụng để kinh doanh trục lợi hơn là sinh hoạt văn hoá. Chính vì vậy nên Ban bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 41- CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Để lễ hội không phải là hội chợ

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trên thực tế, lễ hội ngày càng nhiều, thu hút một lượng khách tham gia rất lớn, có nhiều điểm bị quá tải. Nhưng xét một cách công bằng, chất lượng lễ hội quá thấp, thậm chí do tổ chức, quản lý kém nên nhiều nơi trở thành hội chợ hơn là lễ hội. Và tất nhiên là loại hội chợ hổ lốn, không phải văn minh.

Các kiểu kinh doanh lễ hội dẫn đến hiện tượng thương mại hoá tín ngưỡng, nơi thờ tự. Điển hình nhất là các loại hòm công đức, buôn bán hàng mã, nhang đèn. Không phải tất cả hòm công đức đều có sự trục lợi, nhưng thật giả lẫn lộn, u minh khó lường. Không phải ai kinh doanh cũng chặt chém, nhưng ở hầu hết các điểm lễ hội đều có trình trạng chặt chém, có cả hiện tượng bán hàng hay cung cấp dịch vụ với giá cao như trấn lột. Không trả tiền theo yêu cầu sẽ bị hành hung.

Chỉ thị 41 nêu rất rõ: Tình trạng đốt nhiều hàng mã, đặt tiền lễ không đúng quy định còn phổ biến; vệ sinh môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng không tốt mỹ quan nơi thờ tự, xâm hại di tích, công trình tín ngưỡng. Việc tổ chức lễ hội có biểu hiện phô trương với nhiều nghi thức rườm rà, tốn kém; có xu hướng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế... 

Dân nghèo, nước nghèo, nhưng một mùa lễ hội, tiền đốt hàng mã tính đến tiền tỉ, quá vô lý. Người ta "sắm" xe hơi, nhà lầu cho người âm, người ta cung cấp đô la cho người khuất mặt, và cái giá của người sống trên cõi dương là môi trường bị ô nhiễm, tiền thật bị đốt thành tro theo hàng mã.

Tin thần, kính Phật mà vào chùa nhét tiền đầy ngón tay, ngón chân, vào tai, vài mũi của thần, của Phật. Vậy thì còn chi là tín ngưỡng, tôn giáo, còn gì là văn hoá, văn minh. Sự u mê tăm tối hay là niềm tin tôn giáo chắc ai cũng rõ. Chưa kể, trong đám đông ồn ào mê muội đó, không thiếu cán bộ, quan chức. Nhiều người xúng xính lễ vật, đi cầu cho thăng quan tiến chức, phát lộc phát tài. Quan chức như vậy thì trách gì người bình dân hiểu biết hạn chế.

Các địa phương cần chấp hành Chỉ thị của Ban bí thư, tổ chức lễ hội văn minh, đạt chất lượng. Cán bộ, quan chức phải làm gương, không sử dụng xe công đi lễ hội, không dùng tiền công sắm lễ vật.

Lê hội nhiều nhưng chất lượng thấp, phô trương hình thức, tốn kém thời gian và tiền bạc thì vô ích.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!