Dân hài lòng nhưng chính quyền chưa thoả mãn

(Dân trí) - Những đột phá trong cải cách hành chính tại TP HCM đã thổi một luồng sinh khí mới trong quan hệ Nhà nước - công dân của địa phương. TP HCM luôn có những sáng tạo, đi đầu trong nhiều hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, nay thêm sự tiên phong trong cải cách hành chính.

Dân hài lòng nhưng chính quyền chưa thoả mãn

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

TP HCM khai thác công nghệ thông tin làm khâu đột phá. Người dân tiếp cận dịch vụ hành chính công qua mạng Internet, "chính quyền điện tử" hỗ trợ công dân bằng công cụ của công nghệ thông tin thay cho thủ công. Điều này mang lại lợi ích là tiết kiệm thời gian đi lại, loại bỏ thủ tục rườm rà. Đặc biệt, khi không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ công quyền với người dân, thì sẽ loại bỏ được hạch sách, nhũng nhiễu và các hành vi tiêu cực khác.

Tuy nhiên, công nghệ thông tin chỉ là công cụ, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Tại TP HCM, cùng một chủ chương, chính sách, cũng chỉ đạo các quận huyện, sở ngành khai thác công nghệ thông tin nhưng nổi bật lên là Quận 1, đã cải cách để quy trình đăng ký thuế chỉ mất 30 phút thay vì 10 ngày như trước đây. Các hộ kinh doanh có thể nhận mã số thuế ngay trong ngày thay vì phải chờ đợi nhiều ngày. Hoặc như Quận 3, đã kết hợp với bưu điện để thực hiện dịch vụ hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận và giao trả hồ sơ tận nhà. 

Một sự thay đổi rõ rệt, dân ngồi ở nhà, có cán bộ nhà nước đến tận nơi để "phục vụ". Thế mới là dân là chủ, cho dù ông chủ phải trả tiền dịch vụ

Xét cho cùng, với trình độ khoa học kỹ thuật và công cụ công nghệ thông tin ngày hôm nay, chúng ta có thể thay đổi tích cực và hiệu quả các hoạt động hành chính công. Thực chất của những trì trệ là do tư duy của con người, do thói quen muốn sở hữu quyền lực. Người ta sợ buông bỏ các quy định "thủ công" của hành chính lâu nay, thay vào đó bằng quản lý theo công nghệ thì sẽ mất đi cơ hội tiếp xúc với người dân. Không tiếp xúc với người dân là mất đi quyền lực, mất quyền lực là mất đi cơ hội để tìm kiếm các lợi ích sinh ra từ quyền lực. Chỉ vì như vậy nên nhiều nơi không muốn thay đổi, cố ý không chọn sự cải cách như kỳ vọng của dân chúng.

Dù đã tạo được những đột phá trong cải cách hành chính, bước đầu tạo sự hài lòng đối với người dân và sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng TP HCM chưa thoả mãn với những gì đã làm được. Chính quyền thành phố nhận ra sự hạn chế ở nhiều quận huyện, sở ngành để tiếp tục cải cách. Nói như ông giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, có nhiều nơi vẫn còn làm việc theo quy trình liên thông nhưng liên thông thủ công. Có nghĩa là cán bộ vác hồ sơ chạy từ nơi này đến nơi khác thay cho dân, chứ chưa phải liên thông bằng khai thác chính quyền điện tử.

Phó Chỉ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà còn thẳng thắn chỉ ra, chỉ có 40% cán bộ sử dụng hộp thư điện tử, và ông ví von việc này giống như được trang bị một chiếc xe ô tô nhưng người dùng lại không biết cách sử dụng. 

Ngay tại TPHCM mà cán bộ chính quyền lạc hậu như vậy thì nhiều nơi khác chắc còn kém hơn. Ở thế kỷ này, thời đại này mà cán bộ không sử dụng được hộp thư điện tử là lỗi không phải riêng họ, mà còn do những người tuyển dụng họ. Tình trạng tuyển dụng cán bộ theo hậu duệ, quan hệ, tiền tệ dẫn đến hậu quả đó.

TPHCM đã làm được những việc có hiệu quả trong cải cách hành chính và đang có kế hoạch thực hiện một công trình cải cách hoàn chỉnh hơn. Có lẽ, đã đến lúc các địa phương còn trì trệ nên học tập TP HCM để đổi mới.

Nhưng, để có sự cách cải liên tục và thực sự có giá trị, chính quyền cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức nhằm tạo sự hài lòng cho người dân và không nên tự mãn về những việc mình đã làm được.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!