Cuộc “cách mạng âm thầm” & “dấu ấn” Phạm Vũ Luận

(Dân trí) - ‘Không đao to, búa lớn, không hô hào, băng biển kiểu phong trào, ngành giáo dục đang âm thầm tiến hành một cuộc “cách mạng” thật sự”. Đó là nhận xét của GS. Hồ Ngọc Đại vào chiều ngày 11/8, khi ông đang trên đường đi Lào Cai công tác.

 

 

Cuộc “cách mạng âm thầm” & “dấu ấn” Phạm Vũ Luận - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đây chắc chắn là một nhận định chính xác, đáng tin cậy không chỉ bởi GS Hồ Ngọc Đại là một nhà khoa học có chính kiến và khắt khe mà còn bởi những gì đã và đang diễn ra trong ngành giáo dục đang nói lên điều đó.

Xin đơn cử gần đây nhất là việc bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học và cuộc thi chung tốt nghiệp trung học và tuyển sinh đại học vừa qua làm ví dụ.

Đối với việc thứ nhất, bỏ chấm điểm học sinh tiểu học đã thực sự giải tỏa áp lực cho lứa tuổi “Trẻ thơ như búp trên cành - Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” như lời của Hồ Chủ tịch.

Để mỗi ngày đến trường đối với các em thực sự là một ngày vui, thày cô cùng với phụ huynh ít bị áp lực và quan trọng hơn, đó là không khuyến khích sự ganh đua với những hư danh hơn là thực lực ở tuổi măng non.

Nếu như việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học là cuộc “cải tổ” bước đầu của chương trình giảng dạy thì việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp trung học và tuyển sinh đại học là cuộc “lột xác” trong thi cử, một gót chân Asin của giáo dục Việt Nam lâu nay.

Cho đến thời điểm này, tuy việc tuyển sinh vẫn đang tiếp tục nhưng không thể nói khác, đây là một kỳ thi rất thành công, đặc biệt là tạo sự công bằng cho các em.

Với cách tuyển sinh này, tuy có một số phức tạp nhưng chắc chắn là sẽ không có chuyện thí sinh đỗ điểm cao, thậm chí rất cao (27 – 28 điểm, tức là mỗi môn từ 9 điểm trở lên) mà vẫn trượt. Đây là điều cực kỳ quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến cả tương lai của các em sau này.

Trên báo Dân trí, Bộ trưởng Luận bày tỏ: “Nếu chúng ta chỉ so sánh đơn giản là rắc rối, lo lắng mấy chục ngày thì quả là không đúng. Nếu lo mấy chục ngày mà để tránh được cái oan ức một năm, thậm chí là một đời. Nếu chúng ta phân tích và nhận thức không đúng, đánh giá không đúng thì thấy nó phức tạp. Ở đây, Bộ GD-ĐT không bắt thí sinh phải lo mà là tạo cơ hội cho các em cân nhắc để quyết định tương lai của mình dựa trên những thông số rõ ràng nhất có thể. Các em bắt đầu vào đời rồi thì làm sao lại để xã hội lo lắng cho hết được”.

Quá đúng! Không ít bậc cha mẹ thường nhìn con em mình bằng con mắt người lớn nhìn… trẻ con. Lo lắng đến ôm đồm mọi việc mà quên rằng các em đã 18 tuổi, đủ tri thức và năng lực để chịu trách nhiệm đối với mỗi quyết định của cuộc đời mình.

Để thực hiện hai cuộc “cải tổ” và “lột xác” trên, ngành giáo dục đã vấp phải rất nhiều áp lực. Áp lực từ nội bộ trong ngành như trình độ, năng lực không đồng đều của đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục địa phương, áp lực từ thói quen đã thành tiềm thức của phụ huynh và cả những áp lực không tên từ xã hội…

Nhớ lại ngày mới nhậm chức, trả lời câu hỏi của báo chí rằng ông sẽ chọn vấn đề gì để ưu tiên giải quyết khi vị bộ trưởng tiền nhiệm đã ưu tiên và đề ra các giải pháp mạnh để chống tiêu cực thi cử cũng như bệnh thành tích kéo dài nhiều năm trong ngành giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói rằng ông “không muốn tạo dấu ấn cá nhân”.

Cách đây gần 1 năm (8/9/2014), trong bài “Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và cuộc “cách mạng” lặng lẽ?!”, mình đã linh cảm: “Không ồn ào tuyên bố nhưng hình như ngành giáo dục đang âm thầm làm một cuộc “cách mạng” thật sự chứ không phải chỉ là “đổi mới” như lâu nay thường nói”.

Giờ đây, đã không còn là “linh cảm” với “hình như” nữa mà thực sự đang hiện hữu một cuộc “cách mạng âm thầm” trong ngành giáo dục. Có lẽ đây sẽ là câu trả lời xác đáng nhất về “dấu ấn Phạm Vũ Luận” dù “không muốn tạo dấu ấn cá nhân” như lời ông nói.

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!