Công lý có thất lạc trong một phiên tòa?

(Dân trí) - Đó là phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Ngoc Chung ngày 18.9 với tội danh “Ra quyết định trái pháp luật”. HĐXX Tòa án nhân dân tối cao tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo. Trước đó, bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đề nghị mức án 5 – 6 năm tù giam.

 

Công lý có thất lạc trong một phiên tòa? - 1

()Minh họa: Ngọc Diệp)

Một bản án làm bàng hoàng những ai theo dõi vụ 194 Phố Huế suốt mấy năm nay, một bản án gây phẫn nộ trong dư luận, báo Nhân dân buộc phải lên tiếng với bài báo có tựa đề: “Một bản án thiếu sức thuyết phục”.

Cái bản án thiếu sức thuyết phục này có nguồn cơn từ nhiều vấn đề thiếu sức thuyết phục khác trong quá trình tố tụng kéo dài 3 năm qua, khi nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi thành án dân sự quận Hai Bà Trưng Trịnh Ngọc Chung ban hành quyết định cưỡng chế trái pháp luật căn nhà 194 Phố Huế. Một quyết định đẩy gia đình người dân lương thiện vào cảnh khốn cùng, bao nhiêu tiếng kêu oan, bao nhiêu nỗi khổ ải ập dến với gia đình nạn nhân theo quyết định oan khuất này.

Trịnh Ngọc Chung đẩy một gia đình vào thảm cảnh mất nhà cửa, kéo theo là những năm tháng chịu nhiều thiệt hại trong hành trình chờ đợi công lý.

Nhưng công lý đã “thất lạc” suốt 3 năm qua.

Bởi vì vụ án cứ dây dưa, kéo dài, không đưa ra xét xử. Không biết Trịnh Ngọc Chung có “bùa phép” gì mà công lý phải e ngại, phải né tránh. Báo chí tham gia phân tích nhiều khía cạnh pháp lý của vụ án, chỉ rõ những hành vi sai phạm của Trinh Ngọc Chung, cuối cùng mới có được phiên tòa, nhưng không phải là một bản án thuyết phục. Lại thêm một lần nữa công lý thất lạc hay chăng?

Bởi vì bản án tuyên phạt 30 tháng tù treo không phù hợp với những hành vi vi phạm của bị cáo. Trịnh Ngọc Chung kê biên nhà 194 Phố Huế và bán đấu giá không thông báo cho các đồng chủ sở hữu biết. Chỉ đạo thư ký giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án trái với ý chí, nguyện vọng của người bị thi hành án. Tự chế ra mẫu quyết định cưỡng chế sai với biểu mẫu theo quy định của Bộ Tư pháp, ngoan cố chối tội đến cùng…

Tại sao với hàng loạt hành vi sai phạm như vậy, Trịnh Ngọc Chung chỉ bị án treo? Một câu hỏi treo lơ lửng giữa chốn công đường như một câu hỏi vì sao công lý đi vắng, vụ án kết thúc bằng một bản án trên thực tế nhưng vẫn còn day dứt trong lòng người.

Một Trịnh Ngọc Chung có chức quyền nhưng lạm quyền, phạm pháp, gây thiệt hại cho công dân nặng nề, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan chấp pháp, thế mà chỉ phạt án treo. Vậy thì răn đe ai, giáo dục ai, nghiêm trị ai?

Còn nhớ ngày 6/1/2014, bên lề Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chia sẻ những quan điểm với phóng viên Dân trí về việc xử lý vụ 194 phố Huế. “Thường trực đã giao cho cơ quan tư pháp xử lý vụ này thật nghiêm túc, khách quan và đúng luật”. Ông Phạm Quang Nghị nói.

Nếu như ý kiến của Bí thư Phạm Quang Nghị là “ý Đảng” thì “lòng dân” trên báo Dân trí, hầu hết comment gửi về tòa soạn và trong sô 16.419 ý kiến thăm dò (tính đến 17h30 chiều ngày 20-9) đã có 94% bạn đọc đồng thuận với quan điểm của báo Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, mức án đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội và không đồng thuận mức án treo đối với Trịnh Ngọc Chung.

Vậy thì với mức án trên, không biết các cơ quan chức năng xây dựng lòng tin của người dân vào pháp luật hay đánh mất đi?

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!