Bài toán không dễ cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung?

(Dân trí) - Tháng 7, tháng để tri ân những thương binh, Anh hùng Liệt sĩ đã hi sinh thân mình vì độc lập, tự do và sự nghiệp thống nhất đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Nếu việc phong tặng xảy ra sơ suất, không chỉ tạo tiền lệ mà còn làm mủi lòng hương hồn các Anh hùng Liệt sĩ...

Bài toán không dễ cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung? - 1

Chuyện đã qua khoảng một tháng nhưng dư âm của nó vẫn còn chưa dứt. Đó là câu hỏi các hiệp sĩ hi sinh tại TP HCM vừa qua có được phong tặng danh hiệu Liệt sĩ hay không vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.

Có lẽ giờ này, hồ sơ phong tặng danh hiệu Liệt sĩ do Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP HCM đề nghị đang nằm trên bàn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung. Song, đây có lẽ là bài toán không dễ cho Bộ trưởng Dung bởi có hai luồng ý kiến trái chiều nhau, ủng hộ và không ủng hộ phong tặng.

Phía ủng hộ cho rằng việc làm của các hiệp sĩ là sự hi sinh cao quý, là hành dộng dũng cảm, cần được phong tặng theo qui định tại Điều 17 Nghị định số 31/2013 NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ.

Cụ thể, những trường hợp hy sinh do dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; do dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân… thì được phong tặng danh hiệu Liệt sĩ.

Tuy nhiên, phía những người không đồng tình cũng có những lập luận không thể nói là thiếu thuyết phục.

Thứ nhất, nếu các hiệp sĩ này được công nhận Liệt sĩ, sẽ đặt tiền lệ cho tất cả các trường hợp tương tự sau này, kể cả đối với các trường hợp bị thương tích nặng cũng sẽ phải được công nhận là thương binh.

Thứ hai, nếu như ở các làng xã lập ra các đội an ninh chẳng hạn, để bảo vệ tài sản của nhân dân như gà lợn, chó, mèo… hay hoa màu. Khi truy bắt, bị kẻ gian tấn công dẫn đến thương vong, họ cũng sẽ phải được công nhận là thương binh (nếu bị thương nặng) hoặc liệt sĩ (nếu chết). Vậy thì những trường hợp người dân vây bắt kẻ trộm chó trước đây chẳng hạn, bị kẻ gian sử dụng vũ khí gây tử vong có được truy phong không?

Thứ ba, danh hiệu Liệt sĩ rất thiêng liêng, Tổ quốc và Nhân dân đời đời nhớ ơn. Trong tang lễ thường được phủ quân kỳ, hát Hồn tử sĩ, do chính quyền địa phương đứng ra tổ chức, khi mai táng, được vào nghĩa trang Liệt sĩ và ghi tên trên bảng Tổ quốc ghi công. Vậy những trường hợp này có thực hiện như vậy không?

Về quan điểm cá nhân, người viết bài này trước hết xin được gửi tới gia đình các hiệp sĩ lời chia buồn sâu sắc, cảm thông và chia sẻ. Xin gửi tới hương hồn các hiệp sĩ sự kính trọng tinh thần nghĩa hiệp, vì nghĩ lớn “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”.

Song, đây thực sự là việc hệ trọng, rất cần sự tỉnh táo của lý trí. Đành rằng đạo lý “Nghĩa tử là nghĩa tận” nhưng nếu như cảm tính, sẽ để lại những tiền lệ khó cho sau này.

Vì thế, người viết bài này cho rằng Nhà nước và các nhà hảo tâm nên giúp họ về vật chất để có thể nuôi con cái họ đến năm 18 tuổi. Thậm chí, có thể trao tặng họ chế độ “như liệt sĩ” chẳng hạn,

Còn việc phong tặng danh hiệu Liệt sĩ, nên tham khảo ý kiến các cơ quan chức năng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và quần chúng nhân dân qua các kênh thông tin đại chúng.

Chỉ còn ít ngày nữa là tới tháng 7, tháng để tri ân những thương binh, Anh hùng Liệt sĩ đã hi sinh thân mình vì độc lập, tự do và sự nghiệp thống nhất đất nước cũng như vì hạnh phúc của nhân dân.

Vì thế, có lẽ các cơ quan chức năng rất mong ý kiến đóng góp của các bạn bởi nếu việc phong tặng xảy ra sơ suất, không chỉ tạo tiền lệ mà còn làm mủi lòng hương hồn các Anh hùng Liệt sĩ nơi chín suối, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám