Chủ tịch nước và niềm tin công lý!

(Dân trí) - Gần đây, tình trạng công dân bị chết tại các cơ quan điều tra không phải là hiếm. Việc xử lý oan sai trong các phiên tòa cũng không phải là ít. Với cương vị là người đứng đầu Nhà nước đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Chủ tịch nước đã không khỏi suy nghĩ...

Chủ tịch nước và niềm tin công lý!
  Vụ 5 công an gây chết người ở Phú Yên đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của lực lượng Công an Nhân dân thì gần đây, vụ xét xử với mức án “không thể nhẹ hơn” của tòa án Tuy Hòa làm dư luận càng bức xúc. Thêm một lần nữa, phiên tòa đã làm “xám” đi hình ảnh của cơ quan duy nhất được “Nhân danh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.   Trước sự bức xúc của dư luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Chủ tịch nước kết quả. 
 
Trước hết, việc làm này không phải là sự can thiệp vào tính độc lập trong công tác xét xử mà thể hiện đầy đủ tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước đối với các cơ quan thuộc quyền mình.

Theo Hiến pháp hiện hành, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao là các chức danh do Chủ tịch nước giới thiệu, được Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước trực tiếp ký quyết định bổ nhiệm.

Do đó, việc làm nhanh chóng, kịp thời của Chủ tịch và Văn phòng Chủ tịch nước trước vụ án nghiêm trọng này là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao thuộc lĩnh vực mà Chủ tịch nước được phân công theo Hiến pháp.

Gần đây, tình trạng công dân bị chết tại các cơ quan điều tra không phải là hiếm. Việc xử lý oan sai trong các phiên tòa cũng không phải là ít. Có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như trường hợp Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang đã gây lo ngại trong xã hội đối với ngành tư pháp.

Có lẽ chính vì những lý do trên, với cương vị là người đứng đầu Nhà nước đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Chủ tịch đã không khỏi suy nghĩ...

Song, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của Chủ tịch nước vừa qua đã mang lại niềm tin không chỉ cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều mà còn là niềm tin của nhân dân cả nước.

Trước thông tin này, gia đình bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, người chịu án phạt nặng nhất so với 4 bị cáo khác trong vụ dẫn đến cái chết của anh Kiều đã làm đơn kháng cáo.

Trong niềm tin vào công lý, ông Nguyễn Thân Thành (cha của bị cáo Kiều) chia sẻ: “Chủ tịch nước yêu cầu xử nghiêm vụ án này gia đình tôi rất mừng. Tâm nguyện của gia đình cũng đang làm đơn kêu oan lên Chủ tịch nước. Đây là cơ hội để minh oan cho con tôi, để lộ mặt những kẻ vi phạm nhưng cố tình đổ tội cho con tôi. Không thể chấp nhận việc điều tra, xét xử thiếu căn cứ khoa học như trong phiên sơ thẩm vừa qua. Hy vọng các cấp hữu trách sẽ thực hiện triệt để ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước”.

Thông tin mới nhất, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã thành lập Ðoàn công tác do Thẩm phán Lê Bá Thân, Chánh tòa Hình sự TAND tối cao làm Trưởng đoàn, vào Phú Yên để xem xét vụ việc đồng thời nghiên cứu, xem xét lại toàn bộ hồ sơ của vụ án, qua đó làm rõ tính chất vụ việc và báo cáo Chánh án TAND tối cao cho ý kiến giải quyết.

Có thể khẳng định, với sự chỉ đạo và giám sát chặt chẽ của Chủ tịch và Tòa án Nhân dân Tối cao, vụ án chắc chắn sẽ được xét xử công bằng, đúng người đúng tội.

Việc làm của Chủ tịch nước đã lấy lại niềm tin nơi công lý vốn từng suy giảm ít nhiều!

  Bùi Hoàng Tám  

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!