“Bước lùi hợp lý” sau Quyết định dành cho… một người!

(Dân trí) - Còn tình trạng “nhà công” biến thành “nhà ông”, “xe công” biến thành “xe ông” thì dân còn còng lưng với các khoản thuế, phí và đến bao giờ thì nước mới giàu?

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một lần nữa, câu chuyện về xe công lại được nêu lên như đã từng được nêu lên rất nhiều lần ở nghị trường Quốc hội.

Tại báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 của Chính phủ trước UB Thường vụ Quốc hội, trong khi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết việc mua sắm xe công năm 2014 đảm bảo tiết kiệm do không mua thêm xe phục vụ các chức danh, thì Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại than thở rằng không mua xe mới nhưng kho xe cũ cũng ngốn nhiều vì chi phí sửa chữa, khoán xe chưa hiệu quả, “ăn” nhiều vào quĩ chi của các đơn vị.

Những trăn trở, bức xúc của Chủ nhiệm Phúc là bức xúc, trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri nhiều năm qua.

Từ năm 2007, theo đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Quyết định 59 về việc khoán xe công. Theo đó, tiền phụ cấp xe công sẽ được tính vào lương cho các đối tượng từ cấp thứ trưởng (ở cấp tỉnh là từ phó chủ tịch HĐND và UBND) trở xuống.

Không hiểu cái Quyết định 59 bị “dớp”, đen đủi thế nào mà cho đến nay đã tròn 8 năm kể từ khi ban hành (5/2007 – 5/2015) mới có duy nhất một người thực hiện. Đó là ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mà ông Thuận thì đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay.

Ngạc nhiên hơn khi biết “tác giả” của đề xuất này là Bộ Tài chính nhưng theo báo Tiền phong bài “Khoán xe công: Sáu năm, chỉ một người thực hiện” cho biết: “Ngay như Bộ Tài chính, cơ quan ban hành chính sách cũng không có cá nhân nào gương mẫu thực hiện chính sách khoán này” thì lạ thật.

Trở lại với phiên thảo luận trên, để nâng cao hiệu quả tiết kiệm trong lĩnh vực này, ông Phúc đề xuất phải triển khai cho được quy trình quản lý xe công tập trung.

“Quản lý tập trung sẽ giúp đầu xe giảm đi, lái xe cũng giảm đi, người được hưởng chế độ cũng có quyền lựa chọn, hướng tới việc cho doanh nghiêp tư tham gia vào cung cấp dịch vụ công này. Nhà nước thuê xe của doanh nghiệp cung cấp sẽ tiết kiệm chi phí mua, sửa chữa, bảo dưỡng, quản lý. Còn tiếp tục “phân bổ” quỹ xe công thì tình trạng lãng phí sẽ vẫn tiếp tục. Khoán xe công, vì thế, dù đã thực hiện lâu nay nhưng chưa thực sự hiệu quả vì chưa áp dụng quản lý tập trung” – Ông Phúc phân tích.

Công bằng mà nói, so với nội dung khoán xe công của Quyết định 59, đây là một bước lùi. Thế nhưng xét trên tình hình thực tế hiện nay thì đây là “bước lùi hợp lý” bởi chắc chắn nó sẽ được thực hiện chứ không rơi vào tình trạng “quyết định dành cho… một người” như Quyết định 59 dành riêng cho ông Thuận.

Chao ôi! Còn tình trạng “nhà công” biến thành “nhà ông”, “xe công” biến thành “xe ông” thì dân còn còng lưng với các khoản thuế, phí và đến bao giờ thì nước mới giàu?

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!